BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp

(Cập nhật: 4/3/2012 12:46:37 PM)

Công tác đào tạo nhân lực của nước ta đã đạt được một số thành tựu khá quan trọng như số lượng nhân lực được tuyển để đào tạo ở các cấp tăng nhanh, cụ thể là số sinh viên đai học và cao đẳng tuyển mới thời kỳ 2001-2005 là 1 triệu 512 ngàn, thời kỳ 2006-2010 tăng lên gấp đôi, khoảng 3 triệu 832 ngàn người. Số học sinh TCCN tuyển mới thời kỳ 2001-2005 tuyển mời là 1 triệu 025 ngàn thời kỳ 2006-2010 là 2 triệu 127 ngàn người.

1) Tình hình nhân lực của nước ta

            Công tác đào tạo nhân lực của nước ta đã đạt được một số thành tựu khá quan trọng như số lượng nhân lực được tuyển để đào tạo ở các cấp tăng nhanh, cụ thể là số sinh viên đai học và cao đẳng tuyển mới thời kỳ 2001-2005  là 1 triệu 512 ngàn, thời kỳ 2006-2010 tăng lên gấp đôi, khoảng 3 triệu 832 ngàn người. Số học sinh TCCN tuyển mới thời kỳ 2001-2005 tuyển mời là 1 triệu 025 ngàn thời kỳ 2006-2010 là 2 triệu 127 ngàn người.

            Trong vòng một thập kỷ qua số lượng nhân lực qua đào tạo của nước ta có chiều hướng tăng nhanh, nhưng số người qua đào tạo nghề có bằng cấp và chứng chỉ của nước ta vần ở mức thấp so với tổng lao đạo đã qua đào tạo.

            Theo số liệu thống kê năm 2010, trong số 20,1 triệu lao động đã qua  đào tạo trên tổng số 48,8 triệu người lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân, thì chior có 8,4 triệu người (tương đương với 41,7% tổng số lao động qua đào tạo của cả nước) có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở có chức năng đào tạo trong và ngoài nước cấp. Theo đánh giá của ngân hàng thế giới (WB), chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm ( thang điểm 20) - xếp thứ 11 trong 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Số còn lại, khoảng 11,7 triệu ngươì tuy qua đào tạo, nhưng ở dạng ngắn hạn (thường  là dươí 3 tháng) và không có bằng cấp, chứng chỉ. Nhóm lao động này năm 2000 mới co 1,4 triệu người, tức là tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2001-2010 hơn 23%/năm.

            Nhân lực đào tạo ở các bậc hàng năm vẫn tăng, nhưng đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn rất thiếu so với nhu câu xã hội: Nhiều ngành nghề/lĩnh vực có tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu nhân lực. Theo một cuộc thăm dò mới đây trên báo điện tử  Vietnamnet, những lĩnh vực đang thiếu nhân lực gồm: Kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tưt, viễn thông, cơ khí chế tạo… Còn theo đánh giá của ngân hàng Thế giới, Việt Nam còn thiếu nhiều chuyên gia trình độ cao, thiếu công nhân lành nghề.

            Số lượng nhân lực qua đào tạo ở các bậc còn mất cân đối: Theo số liệu thống kê năm 2010, số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng, đại học trở lên là 3,6 triệu người, cao hơn số người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp (2,2 triệu người); trung cấp nghề (2,5 triệu người).

            Khả năng sử dụng ngoại ngữ làm công cụ giao tiếp và làm việc của đội ngũ nhân lực nước ta còn rất hạn chế. Trong môi trường làm việc làm việc có yếu tố nước ngoài thì ngoại ngữ luôn là điểm yếu kém của lao động Việt Nam. Kỹ năng mềm của nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu nên chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

            Chất lượng của nhân lực còn nhiều yếu kém: Thực tế tại doanh nghiệp, các cơ quan sử dụng lao động cho thấy phần lớn số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thậm trí với nhóm người có trình độ chuyên môn cao như thạc sỹ, vẫn cần phải có thời gian đào tạo bổ sung hoặc đào tạo bồi dưỡng trước khi sử dụng họ, điều đó đã gây lãng phí nguồn lực cho cả nhà nước, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tinh thần, trách nhiệm làm việc,đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân ở bộ phận người lao động chưa cao.

            Năng suất lao động của lao động nước ta còn thấp so với một số nước trong khu vực: Theo số liệu năm 2007, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt bình quân gần 1.500 USD, trong khi đó năng suất lao động của Trung Quốc gấp 2,5 lần, Thái Lan gấp 4,2 lần năng suất lao động của Việt Nam ( Nguồn: Ngân hàng thế giới (WDI 2009) và tính toán của Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư).

Từ thực tiễn công tác đào tạo và sử dụng lao động trong thời gian qua cho thấy hiện nay, nước ta đang thiếu nhân lực trình độ cao trong ngành, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và nâng cao toàn diện nhất nguồn nhân lực, nhất là những chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu hoach định chính sách, tư vấn pháp luật (nhất là luật pháp quốc tế), chuyên gia cao cấpvề quản trị doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế và lao động kỹ thuật trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, điều khiển và tự động hóa, công nghệ sinh học, dầu khí, năng lượng… và chuyên gia kỹ thuật trình độ cao trong các doanhg nghiệp. Trong cơ cấu nhân lực qua đào tạo theo nghề, thì nhân lực được đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông-lâm-ngư còn ít và chiềm tỷ trọng thấp, trong khi đó tỷ trongj các ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ… lại quá cao. Vì vậy, hiện đang thiếu nhiều kỹ sư và công nhân kỹ thuật lành nghề, trước hết là trong ngành trọng điểm (cơ khí, điện tử- kỹ thuật điện, hóa chất, xây dựng…) và ở các khu công nghiệp lớn.

2) Dự báo trong phương hướng đào tao nhân lực từ nay đến năm 2015 và 2020:

Một trong ba nội dung quan trọng trong văn kiện ĐH đảng CSVN lần thứ XI là tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Dự báo đến năm 2015 tổng số lao động qua đào tạo nước ta là 25 triệu người, tăng 6 triệu nguối vời năm 2010 chiếm 50% trong tổng nhân lực lao động. Giai đoạn 2016- 2020 tổng số lao động qua sđào tạo là 36,8 triệu người, tăng bình quân trên 1,7 triệu người mỗi năm trong thời ký 2011 - 2020 và chiếm 70% trong tổng số lực lượng lao động. Vấn đề này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, cơ quan sử dụng nhân lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội cuả nước ta trong giai đoạn này. Để góp phần đào tạo nhân lực cho các ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay nhiều trường đại học, cao đẳng đã chuyển đổi, đa dạng hóa loại hình đào tạo như đại học Quốc Gia, đại học vùng, nhiều trường ĐH sư phạm chuyển sang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực như ĐH Vinh, ĐH Hải Phòng, ĐH Quy Nhơn… các CĐSP các tỉnh/ thành phố đủ điều kiện được nâng cấp thành trường ĐH và có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho tỉnh, cho vùng như ĐH Hà Tĩnh, ĐH Hồng Đức, ĐH Quảng Bình…

3) Nhu cầu của doanh nghiệp.

            Sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của các doanh nghiệp đã và đang đặt ra vấn đề thu hút và tuyển dụng nhân sự. Trong đó, nguồn nhân sự có chất lượng tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo bổ xung cho các đơn vị, phòng ban trực thuộc là quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển thương hiệu.

            Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại phát triển  với một đặc thù văn hóa riêng biệt, hệ thống quản lý khác biệt. Điều này đã tạo nên sự thành công của các doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Đồng thời, nó đã đặt ra vấn đề thích ứng với môi trường doanh nghiệp cho nhân sự được tuyển dụng. Do vậy, việc đào tạo, hướng dẫn ngay từ đầu về văn hóa công ty, phong cách quản trị sẽ làm ứng cử viên được tuyển dụng nhanh chóng thích nghi và phát huy hiệu quả trong công việc. Đồng thời, hoạt động này còn giúp công ty giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa của mình- điều rất quan trọng trong xu hướng kinh doanh hiện nay.

            Trong cơ cấu lao động của một doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ khung chỉ chiếm 5%-10%. Tuy nhiên, xu hướng thích váo đại học của không ít học sinh đã khiến thị trường lao động không chỉ thiếu hụt lao động phổ thông mà còn khan hiếm cả đội ngũ lao động kỹ thuật.

Theo các nhà nghiên cứu nhân lực, vân đề sử dụng lao động là cái gốc của mọi vấn đề. Trong các nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động, sự thiếu coi trọng con người được xác định là nguyên nhân cốt lõi nhất. Đa phần ý kiến của giới chuyên môn cho rằng nếu không gỡ được vấn đề này thì trong tương lai, khủng hoảng hay thiếu hụt lao động vẫn cứ đeo đuôi doanh nghiệp, cac doanh nghiệp nên xem xác định đúng vai trò của nhân lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì hiện nay nhiều doanh nghiệp để tôi đa hóa lợi nhuận, họ sãn sàng cắt giảm lương, thưởng, khẩu phần ăn, bồi dưỡng độc hại, trang thiết bị lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm  xã hội bên cạnh trả lương thấp cho người lao động. Cuộc sống của nhiều người lao động lâu nay không được quan tâm đúng mức. Những khó khăn thiếu thốn từ chỗ ăn chỗ ở, ăn uống, giải trí đến nhu cầu tình cảm vẫn không được cải thiện rõ rệt. Một khi những nhu cầu cơ bản không được đáp ứng thì người lao động không thể gắn bó với doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp không nên chạy theo "cơn sốt ảo" về thiếu lao động mà phải đặt vấn đề là hiện nay mình đối xử với người lao động như thế nào để điều chỉnh chính sách sử dụng lao động. Các doanh nghiệp cần giải quyết tốt lao động nội tại. Giải quyết bài toán cung- cầu lao động là giải quyết vấn đề giá nhân công, vấn đề tái cấu trúc nhân lực, phân bổ nguồn lao động hợp lý theo xu thế phát triển và hội nhập…

4) Vấn đề đặt ra với công tác tuyển sinh đào tạo nhân lực

a) Số lượng thí sinh đăng kysdwj thi vào các khối ngành

Trong quyết định của thủ tướng chính phủ số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/07/2007 phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020  có ghi như sau: điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên được đào tạo theo nhóm các ngành, nghề  để đến năm 2020 đạt tỷ lệ như: Khoa học cơ bản 9%; Sư phạm 12%; Công nghệ - kỹ thuật 35%; Nông - Lâm - Ngư 9%; Y tế 6%; Kinh tế - Luật 20% và các ngành khác 9%.

Tuy nhiên những năm qua số lượng thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng vào các ngành nghề chưa có định hướng phát triển nhân lực của đất nước, chưa phù hợp với đòi hỏi nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm 2010 số lượng sinh viên vào nhóm ngành Kỹ thuật - công nghệ chiếm 31,09% CĐ, nhóm ngành kinh tế chiếm 28,96% ĐH và 16,96% CĐ, nhóm ngành sư phạm chiếm 17,18% ĐH và 22,02% CĐ; trong khi đó nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp lại rất thấp chiếm 8,69% ĐH và 8,49% CĐ, nhóm ngành KHXH 7,61% ĐH và 3,19% CĐ; nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm 3,03%, nhóm ngành Y chiếm 2,21% ĐH và 0,33% CĐ; nhóm ngành NT-TDTT chiếm 1,22% ĐH và 1,61% CĐ. Năm 2011, tuyển mới ĐH, CĐ Chính quy tăng 6,5% so với năm 2010 tức là 150 ngàn chỉ tiêu (ĐH 132 ngàn CT, CĐ 18 ngàn CT) và TCCN tăng 10% so với năm 2010. Đáng chú ý kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 đã có sự đổi mới trong phân bổ chỉ tiêu, trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm nay có 10% chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội (Báo cáo tại HN kế hoạch ngân sách năm 2011 các trường ĐH, các đơn vị trực thuộc bộ GD&ĐT tháng 12/2010).

Tuy nhiên theo thông tin từ các báo và dư luận, hiện nay, các cơ sở đào tạo đều theo thị hiếu của thí sinh để mở ngành "hot". Trong số 488 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ hiện có, thì có đến 360 cơ sở có đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 cơ sở mở ngành kế toán, 297 cơ sở mở ngành CNTT, và 193 cơ sở đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng…

Các ngành "Hot" có số lượng sinh viên theo học đông. Ngược lại, nhiều ngành truyền thống ở cả những trường ĐH lớn lại rơi vào tình trạng thiếu nguồn tuyển. Thậm chí, nhiều cơ sở đào tạo không giữ nổi những ngành đặc thù được xem là thế mạnh của mình.

Ví dụ, thế mạnh của các trường ĐH Nông lâm nghiệp chính là những ngành liên quan đến nông - lâm - ngư. Thế nhưng, trong mùa tuyển sinh vừa qua, dù tuyển tới 3 nguyện vọng với điểm chuẩn gần như bằng điểm sàn nhưng nhiều ngành thuộc khối Nông - Lâm - Ngư nghiệp vẫn không đủ chỉ tiêu.

Nước ta có thế mạnh về nông nghiệp, phát triển kinh tế biển. Thế nhưng các ngành trồng trọt, nuôi trồng và khai thác thủy sản của các Trường nông nghiệp, thủy sản mỗi ngành có số lượng thí sinh ngày càng giảm.

Thế mạnh của ĐH Điện lực là ngành Hệ thống Điện, Quản lý năng lượng nhưng những ngành này tuyển sinh khó khăn, trong lúc các ngành phụ của các trường Kinh tế, Tài chính thì lúc nào cũng dễ tuyển.

Ở ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm 2010 ngành Sinh học chỉ có 30% thí sinh trúng tuyển đến nhập học, ngành Địa chất và Công nghệ môi trường có chưa đến 40% thí sinh đến nhập học. Trường ĐH uy tín như các ĐH Bách khoa cũng có một số ngành thí sinh cho là kém hấp dẫn, nên có em không đến nhập học như ngành: Công nghệ hóa - Thực phẩm - Sinh học, CNTT….

Theo ý kiến nhiều chuyên gia về nhân sự: Những ngành khó tuyển sinh lại là những ngành dễ kiếm việc làm như ngành Cơ khí chế biến nông sản - thực phẩm của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Từ năm 1998 đến nay đã có 500 sinh viên tốt nghiệp và 100% sinh viên đều có việc làm ngày sau khi ra trường, đáp ứng nhu cầu rất lớn cho thị trường lao động và sẽ còn "hút" nhân lực trong tương lai nhưng nghịch lý là ở chỗ ngành này lại luôn trong tình trạng thiếu sinh viên đào tạo.

Đồng thời các ý kiến cho rằng: việc tuyển không đủ chỉ tiêu một số ngành là do nhận thức về nghề nghiệp của người học hiện nay chưa đúng. Người học thiếu thông tin và không được hướng nghiệp chu đáo nên không có sự hiểu biết nhiều về các ngành nghề đó như các ngành xây dựng: Máy xây dựng, Cơ khí hóa xếp dỡ… nghe tên có vẻ không hấp dẫn nhưng thực ra là những ngành rất dễ kiếm việc làm. Hiện có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng với mức lương rất cao nhưng không có người để tuyển dụng.

Vì vậy, việc quy hoạch, quản lý và mở ngành đào tạo hiện nay cần phải nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Tránh tình trạng các trường đang chạy đua để chiều theo thị hiếu của thí sinh hơn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Nếu không kịp thời điều chỉnh, cán cân cung - cầu nguồn nhân lực ngày càng mất cân đối, hệ lụy đến sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội là tất yếu.

Theo thông tin trên một số báo,đài: trong số chỉ tiêu (CT) tuyển sinh xin tăng thêm của các trường hầu hết đều rơi vào khối ngành Kinh tế. Chẳng hạn ĐH Huế, năm nay trong số 1.260 CT tăng thêm có gần 1.000 CT thuộc các ngành khối Kinh tế. Trong số 300 CT dự kiến tăng thêm tại ĐH Quy Nhơn cũng phần lớn thuộc khối Kinh tế và Sư phạm. ĐH Đồng Tháp cũng không ngoại lệ khi, năm nay dự kiến CT toàn trường tăng 10% (200 CT), trong đó hai ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán là 100. Nhiều trường ĐH, CĐ tại Hà Nội và TP. HCM, xin tăng chỉ tiêu mà chủ yếu ở các ngành khối kinh tế. Trong khi đó dự kiến số thí sinh thi vào các khối ngành được cho là không "HOT" vẫn sẽ ở mức thấp.

b) Nhân lực một số ngành cung vượt xa cầu?

Tình trạng này thể hiện rất rõ trong các kỳ tuyển sinh hàng năm. Vào thời điểm xét tuyển Nguyện vọng 2, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào các trường rất đông nhưng chủ yếu chỉ đăng ký vào khối Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng. Trong khí đó, nhiều ngành học thuộc các khối Kỹ thuật, Nông - Lâm - Ngư lại không tuyển được thí sinh.

Theo kết quả khảo sát về nhu cầu học ngành nghề của 10.000 học sinh đang học lớp 12 do trường ĐH FPT tiến hành vừa qua cho thấy: nhu cầu học ngành Tài chính, kế toán, ngân hàng chiếm tỷ lệ cao nhất: 40%. Tiếp theo là ngành thương mại, ngoại thương: 11%. Thứ ba là ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng: 8,24%. Thứ tư là ngành Quản trị kinh doanh: 7,65%. Thứ năm là ngành xây dựng kiến trúc và công nghệ thông tin: 6%. Những ngành nghề có nhu cầu học rất thấp (khoảng 2 -3%) gồm sư phạm, luật, y dược và các ngành khác có thu nhập thấp và môi trường làm việc nặng nhọc.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong năm 2010 tại TP.HCM ngành có chỉ số cung cao nhất là kế toán - kiểm toán (khoảng hơn 33%), nhưng nhu cầu tuyển dụng chỉ là 3,25%. Số liệu của website lao động trực tuyến Vietnamworks.com quý 3/2010 cũng cho thấy nhu cầu nhân lực trực tuyến ngành Kế toán - Kiểm toán bị chững lại (trong khi cung nhân lực vẫn tăng hơn 11%). Nguồn cầu nhân lực trực tuyến ngành ngân hàng trong quý này cũng giảm đến 14%.

Năm 2010, những ngành nghề như điện tử - viễn thông, quản lý nhân sự - hành chánh văn phòng, kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu, cơ khí - luyện kim, giao thông vận tải - thủy lợi, dệt - may - giày da, nhựa - bao bì, mộc - mỹ nghệ - trang trí nội thất… thường xuyên thiếu lao động có trình độ và lao động phổ thông. Qua khảo sát trên 6.000 doanh nghiệp, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng cho biết các ngành này vẫn sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong năm 2011.

5) Một số kiến nghị

            Nhân lực của nước ta vẫn trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Làm thế nào để cải thiện được tình trạng này? Theo chúng tôi đã đến lúc phải nhìn vào thực tế công tác tuyển sinh và đào tạo trong những năm qua. Rất mừng vì Thủ tướng Chính phủ đã ký Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt nam thời kỳ 2011-2020, Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội đang tập trung hoàn thiện để trình thủ tướng ký Chỉ thị về đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội và tổ Công tác Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện để trình Thủ tướng ký Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giải đoạn 2011-2020. Để góp phần thực hiện được chiến lược và quy hoạch chúng ta phải thực sự đổi mới cách nhìn và hành động trong đào tạo và sử dụng nhân lực - nhân tài. Chúng tôi xin có một số kiến nghị sau đây:

            - Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông cần đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở hai cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sinh viên. Phần lớn công tác hướng nghiệp cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Việc lựa chọn nghề của HS do gia đình hoặc tự bản thân học sinh tiến hành chưa nắm được theo định hướng phát triển nhân lực của đất nước, của từng địa phương, chạy theo "phong trào" nên dẫn tới tình trạng nhân lực mất cân đối về cơ cấu trình độ, ngành nghề, khu vực. Công tác hướng nghiệp và tư vấn hỗ trợ sinh viên đã được triển khai ở các trường ĐH, CĐ nhưng chưa mạnh và chưa đồng bộ. Nhiệm vụ này phải đẩy mạnh để thực sự là hoạt động hỗ trợ đào tạo phát triển nhân lực…

            - Đối với các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng phải thực sự đổi mới công tác tuyển sinh đào tạo nhân lực: tuyển sinh đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu của xã hội. Tăng cường liên kết giữa nhà trường/cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo và sử dụng lao động nên quan tâm đến nhu cầu của nhau, tổ chức ký hợp đồng giao kết, hỗ trợ cho nhau trong đào tạo phát triển và cung ứng nhân lực. Nâng cao trách nhiệm công tác giáo dục ý thức, đạo đức, lương tâm, nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên ở các cấp học để sau khi tốt nghiệp họ trở thành những người lao động vừa có "tâm" vừa có "tầm".

            - Hoàn thiện hệ thống công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm định và đánh giá chất lượng và kết quả đào tạo; phải có hệ thống giám sát và đánh giá độc lập về chất lượng giáo dục, đào tạo.

            - Đối với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách: Nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi chế độ lương bổng, đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc. Tránh tình trạng bất bình đẳng và bất hợp lý về thu nhập giữa lao động trong các khu vực khác nhau dẫn đến tiêu cực đến động cơ phấn đấu và cống hiến của nhân lực trình độ cao, nhân tài, nhất là trong khu vực công.

            - Đối với các cơ quan quản lý chỉ đạo: nghiên cứu đầu tư hợp lý cho việc đào tạo nhân lực các ngành nghề thiếu nhân lực và tăng cường thông tin tuyên truyền để thu hút thí sinh vào học các ngành nghề này.

            - Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp: Xác định rõ mục đích hợp tác và xây dựng cơ chế hợp tác rõ ràng. Phải xác định mục tiêu hợp tác: doanh nghiệp hợp tác để làm gì? Nhà trường cần gì ở doanh nghiệp. Mục đích càng rõ ràng thì sự hợp tác càng hiệu quả.

            Thành lập cơ quan hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Có các cơ chế thiết lập kế hoạch năm, triển khai và giám sát được kế hoạch. Đồng thời, thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và làm việc của lãnh đạo cấp cao các đơn vị để thống nhất các chủ trương trong hợp tác.

            Rõ ràng, trong xu thế phát triển tới của xã hội, việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Trong xu thế này, những hoạt động không hiệu quả, kém sáng tạo sẽ dần được thay thế bằng những giải pháp cụ thể và chất lượng tốt hơn. Tất cả đều nhằm mục tiêu nâng cao nguồn nhân lực chất lượng con người và phát triển bền vững. Góp phần thu hẹp và tiến tới thực tiễn "Đào tạo theo nhu cầu xã hội" vì sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp, của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ GD&ĐT: Tài liệu Hội nghị ngân sách năm 2011 các trường đại học, các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, HN, tháng 12/2010.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Dự thảo lần 2). Hà Nội, 4/2011.

3. Các trang thông tin điện tử.

(TS. Phạm Văn Sơn Giám đốc trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • Quản trị doanh nghiệp  ĐH Harvard Tập 1 Phần 1
    • Để Tối Ưu Hóa Vai Trò của Nhân Sự
    • HR Market Trend In Vietnam 2
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38945
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 7851
  • Liên kết đối tác
    • Phan mem JED
    • Cac chuong trinh dao tao