BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Quyền của người lao động trong Hiến pháp năm 2013

(Cập nhật: 4/3/2014 11:31:18 AM)

Sự hoán đổi vị trí chế định quyền con người từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 thành Chương II trong Hiến pháp năm 2013 cùng với những nội dung rất mới của chế định này đã khẳng định quan điểm nhất quán và sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn của Đảng và Nhà nước về tầm quan trọng của vấn đề quyền con người.

Phản ánh kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta, nằm trong sự phát triển về quyền con người nói chung, các quyền con người trong lĩnh vực kinh tế - xã hội nói riêng, quyền của người lao động trong Hiến pháp năm 2013 cũng có những thành tựu đổi mới đáng kể.
 
1. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là nghĩa vụ của Nhà nước phải thực hiện và được quy định trong Khoản 2, Điều 57, Hiến pháp năm 2013. Mặc dù quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đã được nhiều đạo luật ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện như Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006… nhưng đây là lần đầu tiên, sự khẳng định nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo vệ quyền của người lao động đã được ghi nhận trong lịch sử lập hiến và là hành lang pháp lý quan trọng buộc các đạo luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật phải tuân thủ và đưa ra các biện pháp bảo vệ và bảo đảm thực hiện trong thực tế.
 
2. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền làm việc, được tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của công dân (Khoản 1, Điều 35), thừa nhận là một quyền tự nhiên của con người, được Nhà nước bảo đảm, hoàn toàn phù hợp với tinh thần chung của Công ước số 122 - Công ước về chính sách việc làm mà Việt Nam chuẩn bị tham gia.
 
3. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội được ghi nhận tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013. Đây là điều mới so với Hiến pháp năm 1992 và thể hiện ở hai điểm mới: Thừa nhận chủ thể thụ hưởng quyền được bảo đảm an sinh xã hội là “Công dân” chứ không chỉ bó hẹp vào hai đối tượng là viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương. Thuật ngữ “An sinh xã hội” chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Sử dụng thuật ngữ này mang tính khái quát cao, thể hiện sự phát triển trong kỹ thuật lập hiến, không còn kiểu liệt kê một vài quyền trong Hiến pháp năm 1992, ví dụ như thời gian lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ bảo hiểm xã hội…
 
An sinh xã hội là một thuật ngữ có nội hàm rộng, là một khái niệm mở và gần đây ngày càng được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, an sinh xã hội bao trùm lên nhiều mặt cuộc sống của con người, điều chỉnh những nhóm quan hệ như: nhóm quan hệ trong lĩnh vực giải quyết việc làm, nhóm quan hệ trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, nhóm quan hệ trong lĩnh vực cứu trợ xã hội, nhóm quan hệ trong lĩnh vực chăm sóc y tế… Nếu hiểu theo nghĩa hẹp, an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình, trước hết và chủ yếu là các trường hợp bị giảm sút thu nhập đáng kể do gặp rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, mất việc làm… Điều này là cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành nên ngành luật an sinh xã hội mang tính tổng thể và đồng bộ, giúp cho người dân nói chung và người lao động nói riêng thực hiện quyền được hưởng an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sự công bằng và tiến bộ xã hội.
 
Người lao động tại xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Hố Nai (Biên Hòa)
 
4. Nghĩa vụ của Nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền được hưởng các điều kiện làm việc công bằng cho người lao động làm công ăn lương (Khoản 2, Điều 35, Hiến pháp năm 2013). Trước đây, vấn đề bình đẳng giới và một phần về điều kiện làm việc công bằng cho lao động nữ và nam (Điều 63: Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau) được quy định gộp trong Điều 63 của Hiến pháp năm 1992. Nhận thấy sự bất cập của quy định này, Hiến pháp năm 2013 đã tách thành hai điều riêng biệt. Theo đó, Điều 26 quy định về vấn đề bình đẳng giới và Điều 35 quy định về quyền thụ hưởng các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi cho người lao động làm công ăn lương (Khoản 2). Hiểu một cách khái quát về quyền thụ hưởng các điều kiện làm việc công bằng là, với bất kỳ người lao động nào, dù là nam hay nữ, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo… khi thực hiện cùng một công việc, sẽ có các cơ hội được hưởng các điều kiện làm việc ngang bằng nhau, không thiên vị. Bên cạnh đó, chủ thể thụ hưởng quyền này rất rộng, không bị giới hạn trong vấn đề giới tính (lao động nữ, nam) mà còn là những người lao động làm công ăn lương khác như người lao động thuộc các dân tộc khác nhau, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, … 
 
5. Thể hiện sự “nội luật hóa” các Công ước mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, Hiến pháp năm 2013 đã nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu do luật định (Khoản 3, Điều 35). Quy định của Khoản này thể hiện ba nhóm nội dung chính bị nghiêm cấm thực hiện, bao gồm: nhóm các hành vi phân biệt đối xử; nhóm các hành vi cưỡng bức lao động và nhóm các hành vi sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu do luật định.
 
Trên cơ sở căn cứ pháp lý quan trọng này, các đạo luật chuyên ngành sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nhóm hành vi bị nghiêm cấm này cùng với các biện pháp chế tài bảo đảm thực hiện trong thực tiễn, thay vì chỉ có một số khẩu hiệu nghiêm cấm cho một số nhóm hành vi thuộc 3 nội dung nêu trên mà không có bất kỳ biện pháp chế tài bảo đảm thực hiện nào.
 
6. Bên cạnh quyền được bảo vệ sức khỏe, người lao động, không phụ thuộc vào lao động có quan hệ lao động hay lao động tự do, giới tính, thành phần giàu - nghèo trong xã hội, đều có quyền bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế (Khoản 1, Điều 38, Hiến pháp năm 2013). Với quy định “xương sống” như vậy, việc sửa đổi và ban hành các đạo luật chuyên ngành và các chính sách có liên quan đến bảo vệ sức khỏe của người dân trong thời gian tới là điều tất yếu nhằm hướng tới việc giảm bớt tình trạng thiếu công bằng về khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.
 
7. Mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ trợ giúp xã hội theo Khoản 2, Điều 59, Hiến pháp năm 2013. Trước đây, Điều 67, Hiến pháp năm 1992 quy định các đối tượng là người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ; thì nay, nhiều đối tượng khác cũng được bổ sung như người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác. Theo đó, những người lao động thuộc các đối tượng này cũng là những đối tượng được hưởng chế độ trợ giúp xã hội.
 
Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 và Quốc hội đã có Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Theo đó, nghị quyết quy định các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Như vậy, trong thời gian không xa, những cơ chế bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền của người lao động sẽ được sửa đổi, bổ sung trong các đạo luật liên quan, góp phần bảo vệ Hiến pháp, một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước.

(Báo Lao Động Đồng Nai)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • Quản trị doanh nghiệp  ĐH Harvard Tập 1 Phần 1
    • Sử Dụng Tiền Lương Tiền Thưởng Có Hiệu Quả - PGS.TS TRẦN KIM DUNG - phần 3
    • Albert Antoine - Nhân sự trong chuyển đổi số
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38945
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 7851
  • Liên kết đối tác
    • Phan mem JED
    • Cac chuong trinh dao tao