BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Những bài học 'thương đau' về thuê chuyên gia tư vấn

(Cập nhật: 5/17/2012 12:24:16 PM)

“Không có tư vấn không được, mà gặp tư vấn sai thì còn chết thảm”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ông Trần Quý Thanh chia sẻ khi nói về vấn đề doanh nghiệp thuê chuyên gia tư vấn.

Con át chú bài' của doanh nghiệp

Ngày nay, khi doanh nghiệp ngày càng mở rộng các hoạt động về đầu tư, kinh doanh, sản xuất thì việc thuê chuyên gia tư vấn đã trở thành điều không thể thiếu để doanh nghiệp có thể gặt hái thành công.

Ông Trần Quý Thanh cho biết, Tân Hiệp Phát là một trong những tập đoàn đã và đang thuê rất nhiều chuyên gia tư vấn cho các dự án cũng như chiến lược kinh doanh, tiếp thị của doanh nghiệp. ”Tôi cho rằng doanh nghiệp nào cũng luôn phải giải quyết nhiều vấn đề. Nếu ai nói công ty họ không có vấn đề gì, chắc họ sắp đóng cửa vì không chịu cải tiến. Dùng tư vấn vì mình đâu có tài thánh gì mà am hiểu mọi lĩnh vực, khía cạnh, nên mình cần chuyên gia có chuyên môn sâu, ngoài ra, họ lại khách quan và độc lập nên dễ giúp mình đi đúng. Có thể nói Tân Hiệp Phát là một trong những tập đoàn rất “mặn mà” với việc thuê chuyên gia tư vấn và điều này góp một phần không nhỏ vào thành công của chúng tôi hôm nay”, ông Thanh nói.

Dịch vụ tư vấn được ví như một tấm gương chiếu hậu, có thể soi thấy những điều mà doanh nghiệp không thể tự mình nhìn thấy được. Ảnh minh họa.

Theo ông Bùi Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal - thuộc Tập đoàn Sacombank), thuê chuyên gia tư vấn là công việc thường xuyên của Sacomreal. Sacomreal từng thuê một công ty tư vấn của nước ngoài lâu dài để phục vụ cho việc triển khai các dự án địa ốc lớn. Ngoài ra, tùy từng nội dung, thời điểm, doanh nghiệp còn thuê chuyên gia tư vấn là những cá nhân hay công ty khác. Ông Thắng "bật mí", chi phí phải trả cho chuyên gia tư vấn sau mỗi dự án có khi lên đến triệu USD là chuyện bình thường. Chỉ riêng việc thuê một cá nhân tư vấn về hợp đồng pháp lý trong thời gian khoảng một tuần, khoản phí phải trả cũng lên tới vài trăm nghìn USD. Tuy nhiên, “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, theo ông Thắng, để tối đa hóa tính hiệu quả và lợi nhuận của một dự án, chiến lược thì việc bỏ từng ấy tiền thuê tư vấn cũng là lẽ đương nhiên.

Chuyên gia tư vấn Đỗ Thanh Năm, từng tham gia tư vấn cho nhiều công ty lớn, cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp không nên ôm đồm quá nhiều việc để rồi “xôi hỏng bỏng không”. Họ cần xác định được điều gì là trong tầm với của doanh nghiệp và lĩnh vực gì họ phải nhờ đến tư vấn.

Dịch vụ tư vấn được ví như một tấm gương chiếu hậu, có thể soi thấy những điều mà doanh nghiệp không thể tự mình nhìn thấy được. Và đôi khi, có những công việc doanh nghiệp làm được nhưng thời gian không cho phép, và họ phải nhờ người khác làm giúp để dồn công sức vào việc suy nghĩ những vấn đề quan trọng hơn.

Cũng theo ông Năm, bất kỳ một quyết định kinh doanh nào cũng gắn liền với lợi nhuận và rủi ro. Nhà tư vấn không thể loại bỏ hết rủi ro, mà chỉ có thể giảm nó ở mức tối thiểu.

Không ít tai nạn nghề nghiệp

Tuy rất coi trọng công việc thuê chuyên gia tư vấn nhưng đại diện nhiều doanh nghiệp vẫn không khỏi... ngậm ngùi thừa nhận đã gặp không ít sự cố từ đây. Chủ tịch HĐQT Tân Hiệp Phát đến giờ vẫn bùi ngùi khi kể lại những “bài học để đời”. Tân Hiệp Phát đã từng mời những “đại gia” tư vấn nước ngoài khá nổi tiếng và trả lương cao “cắt cổ” cho họ. Thế nhưng họ lại “bán lại” hợp đồng cho một bên thứ ba còn quá ít kinh nghiệm. “Nhiều trường hợp, đích thân tôi đã phải đi xem thực tế ứng dụng dự án ở các nước xem thực hư ra sao và có không ít lần hú vía vì nếu không xem tận mắt thì chắc chắn ăn “quả lừa”. Có khi tôi còn phải thuê tư vấn để giúp mình tuyển chọn tư vấn”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, mỗi khi mời một chuyên gia tư vấn, câu đầu tiên ông thường hỏi họ là “Vì sao tôi phải mời anh tư vấn?”. Nếu họ trả lời thông thì coi như “đầu đã xuôi”. Tuy nhiên, thường những nhà chuyên nghiệp lại ít huênh hoang. Còn những người ít chuyên nghiệp lại “nổ” rất kêu, đưa ra những lời bóng bẩy nhưng khó áp dụng.

Ông Thanh nêu ví dụ, khi Tân Hiệp Phát mời tư vấn triển khai hệ thống thông tin quản trị doanh nghiệp (ERP), có 12 nhà cung cấp tham gia đấu thầu nhưng khi tập đoàn đòi hỏi cụ thể hệ thống báo cáo theo dõi tiến độ thực hiện, có đến 8 nhà tư vấn lẳng lặng “chuồn”. May mắn, Tân Hiệp Phát cũng lựa chọn được một nhà cung cấp phù hợp và đạt được thành công.

Còn một bài học nữa mà vị Chủ tịch HĐQT Tân Hiệp Phát không thể quên, đó là trường hợp về bia Laser từng “đình đám” trên báo chí một thời. Ông Thanh kể, hồi đó, Tân Hiệp Phát đã làm chủ được công nghệ sản xuất bia tươi đóng chai, một sản phẩm độc đáo và chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Nhà tư vấn thương hiệu cũng đưa ra một slogan rất ấn tượng: “Laser - Đi trước một bước”. “Tuy nhiên, khi chúng tôi chắc thắng đến nơi thì cả Tân Hiệp Phát và phía nhà tư vấn đều không thể lường trước về hợp đồng được giữ bí mật có điều khoản phân phối độc quyền của một đối thủ cạnh tranh. Kết quả là Laser không thể đến được với người tiêu dùng Việt Nam rộng rãi. Qua đây, tôi học được một điều rằng, 99% thắng cũng chưa chắc thắng”, ông Thanh nói.

Còn Phó tổng giám đốc Sacomreal cũng không giấu giếm khi chia sẻ kinh nghiệm học được từ việc sử dụng chuyên gia tư vấn cho dự án căn hộ chung cư Belleja ở Quận 7, TP HCM. Dự án này Sacomreal thuê một công ty tư vấn xây dựng Tây Ban Nha có văn phòng đại diện tại TP HCM tư vấn về việc thiết kế, kiến trúc. Tuy nhiên, vì văn hóa và cái nhìn của người Tây Ban Nha và người Việt về ngôi nhà là khác nhau, điều kiện sống khác nhau nên khi công ty tư vấn đưa ra bản thiết kế hoàn chỉnh, Sacomreal “tá hỏa” vì những khác biệt của nó. Chẳng hạn, bếp và toilet khá rộng, ban công qua lớn, trong khi diện tích tổng thể căn hộ chỉ hạn chế. “Người phương Tây vốn coi trọng không gian để nghỉ ngơi, thư giãn, còn người Việt vốn mến khách nên thường muốn phòng khách rộng, hơn nữa diện tích ban công lớn họ phải chi tiền nhiều để mua căn hộ nên họ không mặn mà”, ông Thắng giải thích.

Từ đó, ông Thắng rút ra kinh nghiệm, dù tin tưởng năng lực của đối tác đến đâu nhưng một khi đã thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài thì không thể thiếu được sự cộng tác của một chuyên gia người Việt, để lấp những khoảng trống khác biệt giữa hai nước. Đôi khi cố vấn người Việt có thể là thành viên trong hội đồng quản trị.

(datviet)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • DOMI giới thiệu về sự phát triển của các tổ chức khoa học - công nghệ ngoài công lập ( Đơn vị 81)
    • HR Market Trend In Vietnam 2
    • Để Tối Ưu Hóa Vai Trò của Nhân Sự
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38945
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 7851
  • Liên kết đối tác
    • Phan mem JED
    • Cac chuong trinh dao tao