BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Tư vấn quản lý rủi ro trong doanh nghiệp

(Cập nhật: 8/19/2012 4:23:58 PM)

Gần đây, trước những tác động mạnh mẽ của lạm phát cao và suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra đối với các doanh nghiệp, người ta càng đề cập nhiều hơn đến hoạt động quản lý rủi ro (Risk management) trong doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng một hệ thống quản lý rủi ro được tổ chức tốt và vận hành hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và vượt qua những biến động.

Tuy nhiên, việc tổ chức một hệ thống quản lý rủi ro hoàn chỉnh như thế nào lại là điều không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ. Điều đáng lo ngại là, không ít doanh nghiệp cho rằng với việc sử dụng các dịch vụ bảo hiểm là doanh nghiệp đã thực hiện tốt và đầy đủ công tác quản lý rủi ro. Điều này hoàn toàn không chính xác.

Rủi ro và quản lý rủi ro

Rủi ro (Risk) đối với doanh nghiệp là gì? Một cách khái quát, rủi ro là bất cứ sự không chắc chắn nào có thể là nguy cơ đối với khả năng thực hiện thành công mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể nhận diện được các rủi ro tiềm ẩn để "quản lý" chúng hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Hiểu một cách đầy đủ, quản lý rủi ro là một quá trình xem xét đánh giá toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp để nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động xấu đến các mặt hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đó sẽ đưa ra các giải pháp ứng phó, phòng ngừa phù hợp tương ứng với từng nguy cơ. Chúng ta cũng có thể hiểu quản lý rủi ro là một quá trình được tổ chức một cách chính thức và được thực hiện liên tục để xác định (identify), kiểm soát (control) và báo cáo (report) các rủi ro có thể ảnh hưởng đến việc đạt được những mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

Yêu cầu đối với hoạt động quản lý rủi ro

Để đảm bảo hoạt động Quản lý rủi ro thực hiện được mục tiêu đã định, việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo các yêu cầu sau: · Nâng cao nhận thức về rủi ro cũng như khả năng ứng phó với rủi ro một cách phù hợp trong toàn doanh nghiệp; · Chính thức hóa quá trình quản lý rủi ro; · Xây dụng qui trình quản lý rủi ro thống nhất trong doanh nghiệp; · Minh bạch hóa các rủi ro; · Đưa quản lý rủi ro thành một phần chính thức trong hệ thống kiểm soát nội bộ chung; Thực tế cho thấy, hoạt động quản lý rủi ro được tổ chức tốt và vận hành hiệu quả sẽ góp phần tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp, cụ thể là: · Giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và tạo lợi thế cạnh tranh; · Góp phần phân bổ và sử dụng hiệu quả những nguồn lực trong doanh nghiệp; · Giảm thiểu những sai sót trong mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp…

Chính sách quản lý rủi ro và triển khai thực hiện

Để thiết lập hệ thống quản lý rủi ro, doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng Chính sách quản lý rủi ro. Chính sách này sẽ xác định rõ phương pháp tiếp cận đối với rủi ro và quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, chính sách quản lý rủi ro cũng qui định rõ trách nhiệm đối với quản lý rủi ro xuyên suốt doanh nghiệp, đối với: Ban Giám đốc; Các đơn vị trực thuộc; phòng ban; Bộ phận quản lý rủi ro (nếu có); Bộ phận Kiểm toán nội bộ - kiểm soát nội bộ. Việc triển khai hoạt động quản lý rủi ro cần gắn liền với Chiến lược kinh doanh, Kế hoạch ngân sách hàng năm và các chu trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp.

Trong quá trình triển khai hoạt động quản lý rủi ro, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị bố trí và sử dụng hợp lý các nguồn lực. Các nguồn lực cần thiết cho hoạt động quản lý rủi ro phải được thiết lập tại từng cấp quản lý và trong từng đơn vị. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, để hệ thống quản lý rủi ro thực sự hoạt động, cần đảm bảo các yêu cầu sau: · Cam kết của Ban lãnh đạo cấp cao đối với hoạt động quản lý rủi ro; · Phân công trách nhiệm rõ ràng trong doanh nghiệp đối với hoạt động quản lý rủi ro; · Cần đảm bảo phân bổ hợp lý các nguồn lực cho họat động đào tạo và nâng cao nhận thức về rủi ro; · Đặc biệt là việc thực thi, tuân thủ chính sách quản lý rủi ro. Tại nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro được đưa vào hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng thực hiện công việc của nhân viên (KPIs).

Quy trình quản lý rủi ro

Về cơ bản, quy trình quản lý rủi ro thường bao gồm các bước công việc cơ bản như: xác nhận mục tiêu của doanh nghiệp, xác định rủi ro, mô tả và phân loại rủi ro, đánh giá và xếp hạng rủi ro, xây dựng kế hoạch ứng phó, lập báo cáo cập nhật tình hình thực thi, giám sát quá trình thực hiện, rà soát và cải tiến quy trình quản lý rủi ro. Chi tiết về một số bước chính trong quy trình quản lý rủi ro như sau:

Xác nhận mục tiêu của doanh nghiệp

Hoạt động quản lý rủi ro được tổ chức và triển khai nhằm hướng tới việc đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu của doanh nghiệp. Vì vậy, khi bắt đầu quá trình quản lý rủi ro, công việc đầu tiên Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần thực hiện là xác nhận các mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở đảm bảo hoạt động quản lý rủi ro được tổ chức đúng hướng.

Xác định rủi ro

Có rất nhiều phương thức để xác định rủi ro. Mỗi phương thức đều có ưu và nhược điểm riêng. Tuy nhiên, thông thường người ta sử dụng các phương thức sau để xác định rủi ro: · Tổ chức Hội thảo đánh giá rủi ro; · Tổ chức họp "Tấn công trí não"; · Thông qua Phiếu điều tra; · Thông qua hoạt động Kiểm toán và kiểm tra; · Dựa trên mức chuẩn của ngành; · Thông qua Phân tích các tình huống… Trên thực tế, phương thức xác định rủi ro được sử dụng nhiều nhất là tổ chức Hội thảo đánh giá rủi ro. Tham dự Hội thảo bao gồm Ban Giám đốc và lãnh đạo của tất cả các phòng ban trong doanh nghiệp, Các thành viên tại hội thảo sẽ cùng trao đổi để đưa ra một danh sách các rủi ro doanh nghiệp cần lưu tâm. Trong nhiều trường hợp, kết quả của quá trình xác định rủi ro là một danh sách dài các rủi ro tiềm ẩn. Tuy nhiên, điều này cũng không đáng phải quá lo lắng vì với việc thực hiện các bước tiếp theo của quy trình quản lý rủi ro sẽ giúp nhận diện rõ ràng những rủi ro nào là mối nguy cơ thật sự lớn đối với doanh nghiệp.

Mô tả và phân loại rủi ro

Sau khi xác định được các rủi ro tiềm ẩn, việc tiếp theo cần làm đó là mô tả một cách ngắn gọn nhưng cụ thể về nguồn gốc, căn nguyên và hệ quả, tác động của từng rủi ro đối với doanh nghiệp. Tiếp theo, chúng ta sẽ thực hiện việc phân loại rủi ro. Có nhiều loại rủi ro khác nhau tiềm ẩn đối với doanh nghiệp. Chúng có thể có nguồn gốc ngay bên trong doanh nghiệp hoặc từ bên ngoài. Dựa trên bản chất của các rủi ro, người ta có nhiều cách phân loại rủi ro. Tuy nhiên, phổ biến nhất là việc phân loại rủi ro thành 04 nhóm như sau: Rủi ro tài chính: Lãi suất, tỷ giá hối đoái, nguồn tín dụng, dòng tiền và khả năng thanh toán…; Rủi ro chiến lược: Cạnh tranh, thay đổi của khách hàng, thay đổi của ngành, rủi ro đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ…; Rủi ro hoạt động: Bộ máy lãnh đạo, rủi ro về văn hóa doanh nghiệp, vi phạm quy chế quản lý, kiểm soát tài chính, hệ thống thông tin…; Rủi ro nguy hiểm: Rủi ro về môi trường, nhà cung cấp, thiên tai, rủi ro đối với tài sản, các hợp đồng, sản phẩm và dịch vụ… Việc phân loại rủi ro như trên giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro một cách có hệ thống và có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn về rủi ro trong mọi mặt hoạt động.

Đánh giá và xếp hạng rủi ro

Nguồn lực của doanh nghiệp là có hạn trong khi số lượng các rủi ro là rất lớn. Vì vậy, bước tiếp theo sau khi lập được bản danh sách các rủi ro tiềm ẩn, chúng ta sẽ tổ chức đánh giá và xếp hạng các rủi ro theo mức độ cần ưu tiên ứng phó. Để thực hiện việc xếp hạng rủi ro, doanh nghiệp sẽ phân tích, đánh giá từng rủi ro theo 2 tiêu chí: khả năng xảy ra của rủi ro và mức độ ảnh hưởng của rủi ro đến doanh nghiệp nếu xảy ra. Để làm căn cứ xếp hạng rủi ro, thông thường người ta sẽ thực hiện việc cho điểm đối với từng rủi ro theo cả 2 tiêu chí. Dựa trên kết quả cho điểm rủi ro, các rủi ro sẽ được xếp hạng theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Rủi ro mà doanh nghiệp cần ưu tiên ứng phó, phòng ngừa là những rủi ro mà khả năng xảy ra cao và mức độ ảnh hưởng lớn như minh họa trong bảng sau: Thông thường thì chỉ 10-20 rủi ro có thứ hạng cao nhất sẽ được doanh nghiệp ưu tiên lên kế hoạch và tổ chức ứng phó. Số lượng cụ thể tùy theo mức độ sử dụng các nguồn lực và quy mô, tiềm lực của doanh nghiệp.

Xây dựng kế hoạch ứng phó

Xây dựng kế hoạch ứng phó là giai đoạn quan trọng trong quá trình quản lý rủi ro. Tại giai đoạn này doanh nghiệp phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát cụ thể cần thực hiện để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại nếu rủi ro xảy ra. Điều quan trọng ở đây là doanh nghiệp đưa ra được các biện pháp khả thi, hữu hiệu và ít tốn kém. Có 3 nội dung phải được xác định cụ thể đối với từng rủi ro khi xây dựng kế hoạch ứng phó, đó là: 1. Những biện pháp phải thực thi để phòng chống, ngăn ngừa rủi ro xảy ra; 2. Thời hạn cụ thể phải thực hiện xong các biện pháp đã đưa ra; và 3. Ai là sẽ người chịu trách nhiệm chính quản lý rủi ro đó.

Tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp

Trong quá trình thực thi các biện pháp ứng phó, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống báo cáo thường xuyên nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo mọi thiếu sót trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro phải được thông tin kịp thời đến cấp quản lý có trách nhiệm. Thường xuyên tổ chức kiểm tra và đánh giá việc tuân thủ chính sách quản lý rủi ro và các tiêu chuẩn liên quan. Môi trường mà doanh nghiệp đang hoạt động là không ngừng vận động, do vậy doanh nghiệp cần quan tâm xem xét điều chỉnh các biện pháp đang thực hiện cho phù hợp với những chuyển biến của môi trường. Định kỳ, doanh nghiệp cần xem xét lại mức độ phù hợp của danh sách các rủi ro cùng với biện pháp ứng phó tương ứng. Tóm lại, để thiết lập được một hệ thống quản lý rủi ro hoạt động hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng chính sách quản lý rủi ro của doanh nghiệp, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp phải cam kết ủng hộ việc triển khai, đảm bảo không tồn tại khái niệm "vùng cấm" trong doanh nghiệp, những khu vực không được tiếp cận đánh giá, kiểm soát.

Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải thật sự coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền và đào tạo để xây dựng văn hóa quản lý rủi ro đến mọi đối tượng trong doanh nghiệp. Đã đến lúc các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về vai trò của hoạt động quản lý rủi ro, cân nhắc thiết lập và duy trì một hệ thống quản lý rủi ro trong doanh nghiệp của mình. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, một khi rủi ro được dự báo trước, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng và triển khai những kế hoạch ứng phó hiệu quả và phát triển bền vững.

(nhaquanly)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • Vietnam CEO Forum 2018   Chuyên đề 1  Đại cơn sóng công nghệ toàn cầu  Cơ hội & thách thức
    • Albert Antoine - Nhân sự trong chuyển đổi số
    • Sử Dụng Tiền Lương Tiền Thưởng Có Hiệu Quả - PGS.TS TRẦN KIM DUNG - phần 3
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38945
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 7851
  • Liên kết đối tác
    • Phan mem JED
    • Cac chuong trinh dao tao