BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp giao nhận vận tải trên địa bàn Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

(Cập nhật: 5/6/2021 9:57:42 AM)

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp giao nhận vận tải đang phải thay đổi để thích ứng với những thay đổi này. Một trong những vấn đề đặt ra là chuyển đổi số, thay đổi các ứng dụng phổ thông bằng các ứng dụng công nghệ cao, số hóa các hoạt động trong quy trình giao nhận của mình. Bài viết dựa trên những lý luận về hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp nói chung, những khái niệm, quan điểm chuyển đổi số và quy trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, dựa vào nền tảng lý luận này tác giả nghiên cứu thực trạng hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp giao nhận vận tải trên địa bàn Hà Nội. Những dữ liệu thu thập để minh chứng cho những lập luận về thực trạng, đánh giá hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp giao nhận. Cuối cùng dựa trên thực trạng, tác giả có những định hướng, giải pháp phát triển hơn nữa việc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp giao nhận vận tải trên địa bàn Hà Nội

1. Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển của kỷ nguyên 4.0, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng được hưởng ứng bởi có thể dễ nhận thấy CNTT giúp phát triển sản phẩm nhờ các công nghệ mang tính tự động hóa giúp cải tiến các dịch vụ và sản phẩm, nhờ CNTT có thể phát triển được các thị trường và hình thức bán hàng hiệu quả với chi phí thấp,… Cụ thể, phải kể đến xu hướng chuyển đổi số đang ngày càng phát triển trong 2 - 3 năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này. Theo khảo sát HSBC Navigator công bố đầu tháng 12/2020, 68% doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã thực hiện các thay đổi nhằm đối phó với dịch bệnh. Các doanh nghiệp nói rằng sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ để cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng mới và tăng cường tự động hóa. Ngoài ra, nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của Cisco cho biết, có đến 72% SME tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số, tăng đáng kể so với mức 32% năm 2019. Hầu hết các doanh nghiệp Việt đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, tuy nhiên việc này sẽ là thách thức rất lớn bởi theo nhận định tại nghiên cứu của nhóm chuyên gia do GS. TS. Nguyễn Đông Phong (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho biết, gần 90% doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng với chuyển đổi số.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thương mại quốc tế không ngừng phát triển và nền kinh tế thị trường tự do đang thúc đẩy các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu là lý do thúc đẩy các doanh nghiệp logistics phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Do vậy, phần lớn các doanh nghiệp vận tải logistics là những doanh nghiệp đi đầu về việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề của ngành Logistics Việt Nam hiện đang gặp phải rào cản về chi phí logistics, cụ thể theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chi phí vận tải chiếm khoảng 60% tổng chi phí cả chuỗi logistics quốc gia. Do vậy, yêu cầu lớn nhất về khoa học công nghệ trong ngành Dịch vụ logisitics nước ta hiện nay là tăng cường thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong các hoạt động logistics nói chung và hoạt động giao nhận vận tải nói riêng để cắt giảm tổng chi phí logistics.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu dựa trên 2 nhóm dữ liệu thứ cấp và dữ liệu sơ cấp nhằm phân tích đánh giá thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp giao nhận vận tải trên địa bàn Hà Nội. Đối với dữ liệu thứ cấp được thu thập từ 2 nguồn chính từ nguồn dữ liệu bên trong doanh nghiệp và dữ liệu bên ngoài doanh nghiệp như các công trình khoa học có liên quan, sách báo, internet,... Dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng việc dựa trên lập bảng hỏi, phỏng vấn chuyên sâu đối với các doanh nghiệp giao nhận vận tải; nội dung phỏng vấn dựa trên nền tảng lý thuyết quy trình chuyển đổi số thiết kế nội dung câu hỏi phỏng vấn nhằm thu thập dữ liệu cho những phân tích và đánh giá thực trạng. Các dữ liệu thu thập được xử lý thống kê các chỉ tiêu kết quả kinh doanh, số lượng ứng dụng chuyển đổi số,… Tiếp đến phân tích và so sánh kết quả của những năm chưa thực hiện quá trình chuyển đổi số qua sự thay đổi về chi phí, doanh thu và hiệu quả kinh doanh với những năm ứng dụng chuyển đổi số của doanh nghiệp.

3. Cơ sở lý luận

3.1. Một số vấn đề về chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Chuyển đổi số - Digital Transformation (Theo Rohit Prabhakar, 1950) là việc chuyển đổi các hoạt động, quy trình, sản phẩm và mô hình kinh doanh để tận dụng đầy đủ các cơ hội của công nghệ số. Mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả, quản lý rủi ro hoặc khám phá các cơ hội kiếm tiền mới. Chuyển đổi kỹ thuật số đang thực hiện mọi thứ theo một cách mới. Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, nhưng đến khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, chuyển đổi số mới xuất hiện và trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Có rất nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về chuyển đổi số. Theo Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin Gartner, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số trong thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội và giá trị mới, giúp doanh nghiệp gia tăng tốc độ tăng trưởng và đạt doanh số tốt hơn.

Còn theo Microsoft, chuyển đổi số chính là tái cấu trúc tư duy trong phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người nhằm tạo ra nhiều giá trị mới. Đối với Việt Nam, chuyển đổi số là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi phong cách sống của chúng ta. Như vậy có thể hiểu “Chuyển đổi số là quá trình sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để tạo mới hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và kinh doanh”. Sự tái hiện này của kinh doanh trong thời đại kỹ thuật số là chuyển đổi kỹ thuật số.

Tuy nhiên hiện vẫn có rất nhiều người nhầm lẫn giữa “chuyển đổi số” và khái niệm “số hóa”. Số hóa là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số. Còn chuyển đổi số là cấp độ cao hơn một bậc, một pha hoàn thiện của số hóa. Cụ thể sau khi dữ liệu đã được số hóa, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data,… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác. Việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo AI (Daniel Crevier, 1993) là một nhánh rộng lớn của khoa học máy tính liên quan để việc xây dựng các máy thông minh có khả năng thực hiện các tác vụ thường đòi hỏi trí tuệ con người. Hay Big Data (Roger Mougalas, 2005) là các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp. Độ lớn đến mức các phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống không có khả năng thu thập, quản lý và xử lý dữ liệu trong một khoảng thời gian hợp lý.

Bên cạnh đó, còn có công nghệ Điện toán đám mây (IEEE, 2015) hay còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào internet. Cho phép người dùng truy cập vào các tài nguyên máy tính thông qua internet, từ máy chủ, cơ sở dữ liệu và máy tính từ xa ví dụ như: phần mềm, dịch vụ, phần cứng,... Chính vì thế, chuyển đổi số là dạng phát triển hơn của số hóa. Chuyển đổi số thực hiện khá phức tạp hơn so với số hóa.

Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đều trải qua 2 giai đoạn là:

Giai đoạn 1: Số hóa: Ở giai đoạn này, mọi tài liệu của doanh nghiệp tồn tại ở hình thái vật lý đều được mã hóa thành thông tin điện tử và lưu trữ trên môi trường online. Nhờ số hóa, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian nhập liệu, tìm kiếm; chi phí in ấn; không gian lưu trữ và hạn chế tối đa tình trạng thất lạc, đánh mất dữ liệu. Giai đoạn số hóa sẽ tạo tiền đề để doanh nghiệp đi vào giai đoạn cao hơn của chuyển đổi số.

Giai đoạn 2: Chuyển đổi số, doanh nghiệp đã hoàn thiện số hóa dữ liệu sẽ bắt đầu tính tới chuyện thay đổi toàn bộ quy trình làm việc từ chỗ mạnh ai người nấy làm sang chỗ thống nhất quy trình từ trên xuống dưới, các quy trình liên kết chặt chẽ với nhau. Và tất nhiên, phải áp dụng các công nghệ để quy trình được thực hiện dễ dàng.

Bám sát vào 2 giai đoạn trên, quy trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp cơ bản gồm 5 bước: (Xem hình)

Bước 1 - Lập kế hoạch: mục tiêu của chuyển đổi số là gì, các công việc cần làm, thời gian thực hiện cho mỗi công việc, thời gian hoàn thành dự kiến,…

Bước 2 - Lập chiến lược: chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp là sự kết hợp giữa các chủ trương, chính sách của nhà nước với đặc thù riêng biệt của mỗi doanh nghiệp.

Bước 3 - Số hóa tài liệu, quy trình: chuyển toàn bộ tài liệu của doanh nghiệp từ hình thái vật lý sang hình thái điện tử, lưu trữ trên môi trường online.

Bước 4 - Chuẩn bị nguồn nhân lực: thành lập tổ nhân sự chuyên trách đảm nhiệm công việc chuyển đổi số và đào tạo hoặc tuyển mới nhân sự có kỹ năng phù hợp.

Bước 5 - Đầu tư vào công nghệ: lựa chọn công nghệ phù hợp và áp dụng vào công việc.

3.2. Vai trò của chuyển đổi số trong doanh nghiệp giao nhận vận tải

Giao nhận vận tải là những hoạt động nằm trong khâu lưu thông, phân phối, một khâu quan trọng nối liền sản xuất với tiêu thụ, hai mặt chủ yếu của chu trình tái sản xuất xã hội. Giao nhận là hoạt động kinh tế có mục đích của con người nhằm thay đổi vị trí của hàng hóa và con người từ nơi này đến nước khác bằng các phương tiện vận tải. Sự tích hợp giữa chuyển đổi số trong hoạt động giao nhận vận tải đóng vai trò rất quan trọng, cụ thể là: Chuyển đổi kỹ thuật số đang thay đổi nhanh chóng cách thức, các lô hàng được kiểm soát và các chuỗi cung ứng được quản lý. Blockchains và các công nghệ khác chắc chắn đã tham gia vào lĩnh vực vận tải với những người chơi từ các ngành khác nhau kết hợp nỗ lực thúc đẩy các giải pháp tiêu chuẩn hóa và hoạt động.

Hoạt động của tàu, container,... các phương tiện vận tải nói chung ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào số hóa ở các cấp độ khác nhau, từ lập kế hoạch tuyến đường và nguồn lực được hỗ trợ IoT cho đến các tàu không người lái với tàu không người lái. Nguyên mẫu của tàu không người lái đã được thử nghiệm trên thực tế. Việc đào tạo, giáo dục và quản lý lực lượng lao động đã có những thay đổi nhanh chóng với các giải pháp dựa trên CNTT xâm nhập vào các khu vực lớn hơn của thị trường. Các dịch vụ bổ sung đã phát triển trong ngành, từ theo dõi lô hàng đến xử lý hải quan dựa trên CNTT và quản lý chứng chỉ. Với sự chuyển đổi kỹ thuật số của lĩnh vực này, nhu cầu về cơ sở hạ tầng ổn định, tin cậy và tốc độ cao ngày càng tăng, cho phép trao đổi dữ liệu theo thời gian thực.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vận tải là vô cùng cần thiết và nó có thể coi như là một phần xương sống cho ngành Dịch vụ vận tải nói riêng và Logistic nói chung có vai trò thiết yếu, là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho sự phát triển thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành Vận tải liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, liên quan đến các vấn đề như việc kết nối và khả năng hiển thị trên các thiết bị và hệ thống khác nhau, sử dụng tài sản, thiếu hiệu quả trong chuỗi cung ứng.

Chính vì thế, ngành Vận tải luôn là “ứng cử viên” hoàn hảo cho chuyển đổi số. Bởi lẽ chuyển đổi số cho phép các công ty giao nhận vận tải xây dựng một nền tảng mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề này. Các sáng kiến ​​chuyển đổi kỹ thuật số sử dụng Tự động hóa quy trình bằng rô bốt (RPA) để tự động hóa các quy trình tốn thời gian có thể giúp các công ty giải quyết vấn đề về tốc độ và thời gian. Một lợi ích quan trọng khác của chuyển đổi kỹ thuật số là nó cho phép xây dựng siêu kết nối giữa các thiết bị bằng cách sử dụng các cảm biến. Đây là nơi các công nghệ như Internet of Things (IoT) phát huy tác dụng. Chúng cho phép các công ty kết hợp các thiết bị sử dụng cảm biến để gửi thông tin quan trọng qua một mạng. Ngoài ra, chuyển đổi kỹ thuật số giúp các công ty luôn theo dõi thiết bị của họ và thông báo cho họ thậm chí hàng tháng trước khi một phần bị hỏng. Các công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệuđiện toán đám mây,… giúp bảo trì dự đoán cho phép các doanh nghiệp tránh thời gian ngừng hoạt động do thiết bị bị hư hỏng để đảm bảo rằng các mặt hàng đến đúng vị trí, đúng thời điểm và trong tình trạng tốt nhất có thể. Do vậy, chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng để giúp cho quá trình giao nhận vận tải đảm bảo được 3 yếu tố “Chính xác - Nhanh chóng - Tiết kiệm”.

4. Thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp giao nhận vận tải trên địa bàn Hà Nội

4.1. Tổng quan về các doanh nghiệp giao nhận vận tải

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội năm 2018, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 25.000 doanh nghiệp với các quy mô, cấp độ, loại hình, ngành nghề dịch vụ giao nhận vận tải  khác nhau (trong đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động chính thức là 5.445 doanh nghiệp). Có thể kể đến một doanh nghiệp thành lập từ những ngày đầu trong lịch sử của ngành đó chính là Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post). Ngoài những doanh nghiệp có thâm niên trong ngành như Công ty TNHH Logistics Safway (2007), Công ty CP Thương mại dịch vụ Logistics Đông Dương (2009),… thì có những doanh nghiệp xuất hiện sau, nhưng cùng với những sáng tạo, bắt kịp xu hướng thị trường họ đã đạt được những thành tựu như Công ty CP Giao hàng tiết kiệm (2013), Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận vận tải Đại Sơn,... Theo khảo sát, đa số các doanh nghiệp hoạt động với loại hình kinh doanh là doanh nghiệp cổ phần chiếm khoảng 77,8%.

Hầu hết các doanh nghiệp đều phục vụ cho thị trường trong nước và quốc tế với hình thức vận tải kết hợp đa phương thức như vận tải đường bộ, vận tải đường thủy, vận tải đường hàng không và đường sắt. Sự kết hợp của các phương thức vận tải sẽ tạo ra một chuỗi vận chuyển, tích hợp ưu thế của từng phương thức được sử dụng. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh đơn giản như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi,... cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hoặc mua bán cước tàu biển, cước máy bay, đại lý khai hải quan và dịch vụ xe tải, một số có thực hiện dịch vụ kho,...

Ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Chính vì điều này, trong những năm qua, việc xác định logistics là một trong các ngành xương sống của nền kinh tế số, Việt Nam đã ngày càng quan tâm đến phát triển dịch vụ logistics.

4.2. Tình hình ứng dụng chuyển đổi số của các doanh nghiệp

Nhìn chung, có thể thấy rằng, các doanh nghiệp đang cố gắng cải thiện, đặc biệt trước tình trạng cạnh tranh và sự bùng nổ của nền kinh tế số, cùng với thương mại điện tử ngày càng nhanh mạnh, đặc biệt trước áp lực của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Hoạt động này được thúc đẩy và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn khi làn sóng COVID-19 xuất hiện. Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. (Hình 2)

Tuy nhiên, nguồn lực và sự nhận thức đúng vai trò chuyển đổ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp còn hạn chế; chính vì thế việc ứng dụng chuyển đổi số vẫn chưa đạt được hiệu quả tối ưu và còn nhiều thiếu sót, bởi việc thực hiện chuyển đổi chưa thực sự được đảm bảo theo đúng các quy trình cũng như chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng đắn. (Hình 3)

Nhìn vào biểu đồ Hình 3 có thể thấy rằng, việc lập kế hoạch và chiến lược thường không được thực hiện đầy đủ. Có những doanh nghiệp chỉ thực hiện việc lập kế hoạch mà không thiết lập chiến lược rõ ràng cho cả quy trình chuyển đổi. Song, vẫn có những doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư vào công nghệ mà không chú trọng tới vấn đề nguồn nhân lực. Xây dựng một doanh nghiệp trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi thay đổi một số giả định có tính nền tảng về ý nghĩa và tầm quan trọng của dữ liệu. Ở 2 bước cuối cùng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hầu hết các doanh nghiệp đã có những thay đổi về mặt đầu tư công nghệ, tuy nhiên để điều hành tốt các doanh nghiệp vẫn còn phải nhờ đến các chuyên gia dữ liệu bên ngoài hay thuê các dịch vụ số hóa hoặc các dịch vụ bên ngoài để phục vụ và đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.

4.3. Chuyển đổi số trong các hoạt động của doanh nghiệp (Hình 4)

Với những doanh nghiệp đã và đang thực hiện chuyển đổi số bắt đầu với các hoạt động như:

Thứ nhất là ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kiểm soát lô hàng, quản lý chuỗi cung ứng,... được áp dụng hầu hết ở các doanh nghiệp. Ở hoạt động này, việc sử dụng công cụ Big Data để biết những phương thức vận tải và hãng tàu nào có thể được sử dụng để tối đa hóa lợi nhuận cho một điểm đến cụ thể trong khi vẫn đáp ứng thời gian giao hàng và để xem xét trong một thời gian cụ thể, trong một mùa nhất định của năm, đến một địa điểm cụ thể, trong điều kiện thời tiết nhất định có thể ảnh hưởng đến thời gian giao hàng.

Thứ hai là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào việc theo dõi hoạt động của các phương tiện vận tải. Công nghệ cung cấp giám sát máy móc tàu thuyền và giám sát điều kiện của container lạnh. Các doanh nghiệp ứng dụng IoT cho hay, khi ứng dụng IoT vào quy trình vận hành việc quản lí sẽ trở nên vô cùng đơn giản.

Thứ ba là việc ứng dụng được sử dụng vào quản lý lực lượng lao động bằng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) với các trung tâm dịch vụ điện tử, phân bổ lại năng lực động, bảo trì dự đoán,... thì AI có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành các khâu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay ở các công ty, việc sử dụng AI để kiểm tra chất lượng khung năng lực của doanh nghiệp mình. Bởi đa số các doanh nghiệp giao nhận vận tải trên địa bàn Hà Nội đều là các doanh nghiệp chi nhánh và là các doanh nghiệp liên doanh hay có vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, để có thể kiểm soát chất lượng nhân viên thì AI được ứng dụng cho việc tuyển dụng và đào tạo.

Cuối cùng, việc ứng dụng chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong thiết kế và sản xuất phương tiện vận tải chỉ dừng ở mức lắp ráp và tìm hiểu các ưu tiên cho một phương tiện để lên kế hoạch, sắp xếp và kiểm soát các hoạt động liên quan tới lựa chọn phương tiện, nhà cung cấp phù hợp và di chuyển hàng ra.

4.4. Ảnh hưởng của chuyển đổi số tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp

Chuyển đổi số giúp tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động dịch vụ giúp doanh nghiệp thay đổi sự trì trệ, rút ngắn thời gian của các khâu vận hành. (Hình 5, 6)

Nếu như trước kia, khi vận hành dịch vụ theo cách truyền thống, các doanh nghiệp đều nhận thấy được rằng mình phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn làm giảm lợi nhuận, thì khi sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ số hóa vào các khâu vận hành đã giúp 77,8% các doanh nghiệp có thể tối thiểu hóa chi phí đầu vào. (Hình 7, 8)

Với một thị trường mở cửa hoàn toàn, có rất nhiều những doanh nghiệp nước ngoài đã tiến vào, mở rộng mạng lưới đầu tư vào nước ta, hút mất một lượng khách hàng là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có lượng hàng giao dịch lớn. Chính vì thế, chuyển đổi số mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích từ những cơ hội lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà tăng trưởng, có thêm nhiều khách hàng, những đơn hàng lớn và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.

Công nghệ ngày càng đổi mới phát triển không ngừng và đang trở thành yếu tố không thể thiếu, do vậy việc quá trình thích ứng và đáp ứng về công nghệ là khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp. Tiếp đến là khó khăn về số hóa tài liệu và quy trình, phần lớn doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức độ số hóa, tức là chuyển dữ liệu hoạt động sang dạng lưu trữ điện tử chứ chưa có sự kết nối và khả năng tra cứu số liệu cũng như xử lý đơn hàng trên nền tảng trực tuyến. Hơn nữa, việc chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển đổi số khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất là chưa có chiến lược phát triển nhân lực dài hạn, thiếu tính chủ động trong đầu tư phát triển nhân lực Logistics. Thứ hai, nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistic Việt Nam cho biết, trong 3 năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ logistic cần thêm 18.000 lao động. Ngoài ra, tâm lý chưa thực sự tin tưởng về các ứng dụng công nghệ số và thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên cũng cản trở việc chuyển đổi số của doanh nghiệp. Không có các developer (kỹ sư máy tính, lập trình viên, vv,…) và đa phần phản hồi là họ đang sử dụng các chuyên gia dữ liệu. Cuối cùng, các doanh nghiệp vận tải còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế để đáp ứng thỏa mãn khách hàng về chi phí cũng như tính đáp ứng nhanh của nhu cầu xuất nhập khẩu.

5. Kết luận và giải pháp

Chuyển đổi số trong ngành Niao nhận vận tải đã, đang và sẽ là vấn đề then chốt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Hoạt động chuyển đổi trong thời gian qua đã được các doanh nghiệp thực hiện rất tích cực bởi hầu hết các công ty đều nhận thức được tầm ảnh hưởng của việc thay đổi mô hình chuyển đổi tới hiệu quả kinh doanh của chính doanh nghiệp của mình. Trước bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các doanh nghiệp giao nhận vận tải cũng đã cố gắng và đạt được nhiều thành tựu trong con đường phát triển của mình.

Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi số của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập và có một số doanh nghiệp chưa nhận thức và chưa có kế hoạch cụ thể cho hoạt động chuyển đổi đầy khó khăn và tốn kém này. Vì vậy, việc tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu chuyển đổi số trong các hoạt động vận tải của các doanh nghiệp giao nhận, tìm ra các giải pháp tối ưu nhằm phát triển ngành dịch vụ vận tải góp phần phát triển toàn diện hệ thống logistics là một vấn đề có ý nghĩa và cần được sự quan tâm từ nhiều phía, trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò rất quan trọng.

Thứ nhất, cần Xây dựng chương trình chuyển đổi số hoàn hảo ta cần phải có một chiến lược chuyển đổi số phát triển theo lộ trình phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Rà soát mục tiêu tập trung để thực hiện, đánh giá lại số liệu hiện có của doanh nghiệp, cải tiến quy trình cho cả hoặc một phần quy trình; đào tạo nhân lực, lựa chọn công nghệ và nhà cung cấp giải pháp phù hợp lộ trình và khả năng tài chính với tầm nhìn dài hạn. 

Thứ hai, đảm bảo nguồn lực Lãnh đạo doanh nghiệp cần có năng lực công nghệ vững chắc là một trụ cột tiềm năng để phát triển doanh nghiệp của mình khi muốn trở thành một doanh nghiệp số.

Thứ ba, tăng cường Đào tạo các nhân viên và tích hợp nền văn hóa kỹ thuật số xuyên suốt trong tổ chức bởi khi tự động hóa đang dần thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Điều này cũng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến xu hướng quản trị nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số hiện nay. Do vậy, điều cấp thiết ở mỗi doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp giao nhận vận tải Hà Nội nói riêng chính là cần có những chương trình đào tạo các nhân viên để giúp họ thích ứng với thay đổi tốt hơn, và các quy trình trong công ty cũng sẽ được vận hành một cách trơn tru hơn, khi doanh nghiệp có thể phổ cập được các kiến thức và nền văn hóa kỹ thuật số đến tất cả các phòng ban.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần Nghiên cứu các các công nghệ hỗ trợ phù hợp bởi các công nghệ tiên tiến vốn ứng dụng kết quả của khoa học hiện đại nên khi tiếp nhận chúng các nước đang phát triển như Việt Nam thường gặp khó khăn như hạn chế về vốn, đòi hỏi tình độ quản lí cao, tính thích nghi giảm… Cho nên, các doanh nghiệp giao nhận vận tải nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội nên cân nhắc và dung hòa để có thể chọn ra công nghệ trung gian. Loại công nghệ này có trình độ trung gian giữa công nghệ thô sơ và công nghệ tiên tiến.

Thứ năm, nên Chú trọng phát triển nền tảng kết nối với các đối tác trong môi trường cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay.

Thứ sáu, Chuyển đổi việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông nhằm điều hành phương tiện kinh doanh vận tải. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần chú trọng việc Nâng cấp kỹ thuật số cho công cụ hàng ngày để đạt được hiệu quả chuyển đổi số tốt cho nghiệp vụ của mình cũng như làm hạn chế đi các rủi ro tránh làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Daniel Crevier (1993). The Tumultuous History of the Search for Artificial Intelligence, BasicBooks, New York.
  2. John J. Coyle and Edward J. Bardi, et al (2003). The management of business logistics (A supply chain perspective), South-Western College Pub, Penn State University.
  3. David L.Rogers, (2016). The Digital Transformation Playbook, Columbia University Press, New York.
  4. Đoàn Thị Hồng Vân (2006). Quản trị logistics, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  5. An Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thông Thái và Nguyễn Văn Minh (2018), Giáo Trình Quản trị logistics, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  6. Đặng Đình Đào, (2011). “Hoạt động logistics và doanh nghiệp thương mại” Nhà Xuất bản Lao động, Hà Nội.

 The digital transformation in some freight forwarding enterprises in Hanoi: Current situation and solutions

Doan Ngoc Ninh

Department of Logistics, Faculty of Marketing, Thuongmai University

Nguyen Thi Quyen

Thuongmai University

ABSTRACT:

The strong development of technology has sparked many changes in economic fields and logistics companies are changing to adapt to these new trends including the digital transformation and the use of high-tech applications in their operations. This paper is based on theories about digital transformation in businesses, concepts, viewpoints of digital transformation in general and the process of digital transformation in enterprises, This paper assesses the current digital transformation of some freight forwarding enterprises in Hanoi. Based on the paper’s findings, some orientations and solutions are proposed to promote the digital transformation for freight forwarding companies in Hanoi.

ĐOÀN NGỌC NINH (Bộ môn Logistics kinh doanh - Khoa Marketing, Trường Đại học Thương mại) - NGUYỄN THỊ QUYÊN ( Trường Đại học Thương mại)

(tapchicongthuong)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • DOMI giới thiệu về sự phát triển của các tổ chức khoa học - công nghệ ngoài công lập ( Đơn vị 81)
    • Quản trị doanh nghiệp  ĐH Harvard Tập 1 Phần 1
    • Để Tối Ưu Hóa Vai Trò của Nhân Sự
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38945
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 7851
  • Liên kết đối tác
    • Phan mem JED
    • Cac chuong trinh dao tao