BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Khoa học quản lý - khoa học của hành động

(Cập nhật: 4/26/2012 3:25:03 PM)

uản lý, một phạm trù rất rộng, dù theo nghĩa thông thường hay theo nghĩa chuyên môn. Nhớ thời kháng chiến, các đơn vị đều có một cán bộ quản lý, nếu quy mô lớn thì một tổ, thậm chí một phòng, một ban quản lý. Quản lý "cơm áo, gạo, tiền”, quản lý doanh trại, quản lý chế độ chính sách - đủ loại... Tôi viết bài này từ góc độ một bộ môn khoa học được phân công chuyên sâu, bố trí, tìm phương thức đưa chủ trương, chính sách ứng dụng vào thực tế. Tôi đành bằng lòng với định nghĩa nôm na như vậy, bởi tôi thường băn khoăn phần việc này. Đúng ra, quản lý có nhiều cấp số, từ vĩ mô đến vi mô, từ bao quát, liên ngành, đến từng ngành, từ các hoạt động khoa học xã hội, tự nhiên, kỹ thuật, đến vô số lĩnh vực khác.

Là một môn khoa học nên vận động là quy luật, quản lý chỉ có ý nghĩa sống khi gắn chặt với mọi mặt xã hội và trong những trường hợp nhất định, khoa học quản lý thêm, bớt bản thân chủ trương, đôi khi giúp cả lối thoát cho chủ trương, vào những tình thế nhất định. Dĩ nhiên, cũng không loại trừ mặt ngược - quản lý sai dẫn đến hậu quả xấu, đôi khi, cực xấu. Kinh nghiệm đau về "giá lương tiền" chưa cách chúng ta xa lắm.

 Như mọi môn khoa học - có trách nhiệm tìm ra các mẫu số chung, các "thuộc tính" của loại hình công việc được phân công theo một tư duy đã xác lập, khoa học quản lý luôn đứng trước vô số đối tượng cần quản lý rất khác nhau về kích cỡ, tính chất, môi trường tồn tại, chức năng, nguồn gốc lịch sử, số phận, tương lai... Chẳng hạn, chính quyền một thôn. Chẳng thôn nào giống thôn nào trong hàng vạn thôn ở nước ta. Mỗi thôn đòi hỏi phải được quản lý thích hợp: vùng đông dân, vùng nông thôn, vùng núi hẻo lánh, vùng người dân tộc, vùng hải đảo... Cái dở nhất của chúng ta từ trước tới nay là đưa công việc quản lý vào khuôn khổ cứng nhắc, hễ là thôn thì y nhau, mặc kệ thôn rộng hay hẹp, trồng lúa nước, cây ăn quả hay chăn nuôi cũng không cần biết. Hẳn, tổ chức quản lý hành chính có những quy định thống nhất trong một quốc gia thống nhất, song ngay quản lý hành chính địa bàn vốn khá cố định mà thiếu sự phân biệt đối tượng quản lý thì khó mà đạt kết quả trong điều hành, huống chi quản lý sản xuất, kinh doanh... là những loại hình biến động từng ngày, từng giờ - biến động tự thân và chịu tác động. Một thời chúng ta lấy mẫu quản lý nông thôn, đặc biệt nông thôn miền Bắc, làm chuẩn cho quản lý xã hội nói chung, kể cả sau đất nước hoàn toàn giải phóng. Cái hại đã rõ ràng.

 Hôm nay, đất nước ta đang ở vào thời điểm chuyển động hết sức dồn dập. Mặc dù tỷ lệ đất nông nghiệp và cư dân nông thôn vẫn còn cao trong sơ đồ kinh tế quốc gia, song giá trị sản xuất không bì được với trận địa công nghiệp, dịch vụ, khai thác tiềm năng lòng đất... tuy địa bàn hẹp hơn lao động ít hơn nhiều. Thống kê hàng năm đã cho thấy điều đó. Vậy thì, sự chuyển hóa này là từ một nền kinh tế nông nghiệp thay đổi dần lên nền kinh tế mang tính chất công nghiệp và bản thân nền kinh tế nông nghiệp nước ta chỉ tồn tại, phát triển khi nó tương tác với công nghiệp ở những mức nhất định - nói là ở những mức nhất định, song là những mức quyết đỉnh. Quản lý một nền kinh tế trong buổi "giao thời" quả khá phức tạp, đòi hỏi những suy nghĩ, những phân tích thấu đáo. Bây giờ, chúng ta chưa quản lý một xã hội công nghiệp chuyện của vài thập niên nữa - nhưng đang quản lý một xã hội trong quá trình công nghiệp hóa mà một số địa bàn, ngành thực sự đã thuộc lĩnh vực quản lý công nghiệp. Không thể quản lý thành phố, đô thị, nơi cư dân sinh sống và sinh hoạt khác nông thôn theo kiểu cách quản lý nông thôn. Mà đô thị hóa phản ánh bước đi của xã hội công nghiệp - bước đi không gì ngăn cản nổi.

 Đó là tôi chưa nói một nền kinh tế mở phải hòa nhập với bên ngoài đòi hỏi cung cách quản lý rất khác với quản lý nền kinh tế tự cấp tự túc. Quản lý cách nào thì quản lý, vàn phải đạt các tiêu chí cơ bản: kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện, chính trị ổn định, an ninh bảo đảm, tệ nạn xã hội thu hẹp, vị thế quốc gia nâng cao, tiếp cận ngày càng sâu vào văn minh, dân chủ và công bằng, thực hiện một nền pháp luật đúng quan điểm của Đảng ta... Đi chệch những tiêu chí trên thì quản lý dễ thành trở lực cản của phát triển, thậm chí mang tính phá hoại.

 Có lẽ cái mà chúng ta đang vấp là đặt vấn đề quản lý cũng như đặt các nhà quản lý trong tầm "hàn lâm" hơn là trong tầm thực tiễn. Không ít bài nghiên cứu, sách viết về quản lý đã công bố ở ta, nhất là từ khi một số Viện sĩ, Giáo sư Liên Xô sang mở lớp bồi dưỡng lý luận quản lý, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, rồi các tủ sách nghiên cứu quản lý - sau Liên Xô sụp đổ - giới thiệu các bản dịch, bây giờ là "model" của một số học giả Mỹ cùng một số tác giả Việt Nam - tác giả Việt Nam dịch, phỏng dịch, hoặc "nói rộng", "nói thêm" các luận điểm nước ngoài. Nghĩa là, cái mà khoa học và thực tiễn quản lý Việt Nam cần, rất cần thì rất thưa vắng. Những nhà lý luận quản lý danh tiếng nước ngoài, mặt nào đó, là thầy của chúng ta, song không ai dạy cho ngành quản lý Việt Nam tốt bằng chính bản thân thực tế Việt Nam. Dễ thấy "cái lạ" trong trước tác của họ - kể cả những người được giải Nobel, còn tìm giá trị ứng dụng của nó vào Việt Nam lại khó, bởi hoàn cảnh rất khác nhau.

 Đất nước chúng ta phát triển đến hôm nay, xét từ góc độ quản lý ngày càng bộc lộ độ sâu của đặc thù Việt Nam. Một đất nước với tư cách quốc gia, với thiết chế triều nghi, rút gọn đi, cũng từ thời Ngô - Đinh cách nay hơn nghìn năm. Quản lý một quốc gia như thế, nhu cầu quản lý không thể không bận tâm các vua quan. Và, khoa học quản lý chung lẫn cụ thể, toàn quốc lẫn địa phương... đóng vai trò công cụ phát triển đất nước, tạo thế phát triển liên tục - thời bình, thời chiến, khi làm chủ kinh đô, khi tản vào núi rừng... Bằng không, làm sao quản lý nổi một quốc gia luôn biến động, làm sao quản lý nổi một lãnh thố dài hơn 2000 cây số nằm trên nhiều vĩ tuyến khác nhau và tất cả đều dẫn đến một nước Việt Nam thống nhất, giành được thắng lợi trong đấu tranh với đủ các phương thức. Một triều đình vua chúa của Việt Nam vẫn có cách quản lý của triều đình đó và hiệu quả đã được khẳng định. Đương nhiên, không thể so với quản lý theo mô hình công nghiệp hiện đại, song mô hình công nghiệp hiện đại là sản phẩm của một thời đoạn lịch sử nhất định, nó chỉ xuất hiện khi có điều kiện để xuất hiện.

 Bây giờ, nhìn những hình dạng quản lý mà chúng ta đang thực hiện, chúng ta sẽ thấy liền không biết bao nhiêu bất cập. Tôi cho đó là chủ đề hàng đầu, chủ đề số một của Tạp chí Nhà Quản lý và của Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý. Lên một sơ đồ phân loại các lĩnh vực cần quản lý và đề cho mỗi loại những yêu cầu phải làm sáng tỏ, với một sơ đồ như thế, một sự phân loại như thế thì đường đi sắp tới của chúng ta sẽ dễ dàng hơn nhiều. Hiện nay, chúng ta đang rất lúng túng giữa quản lý ngành và quản lý địa phương. Trong quản lý ngành, ngành tổng hợp và ngành kỹ thuật đâu có giống nhau. Trong quản lý địa phương, tính chất của từng địa phương cũng không giống nhau. Chính cái mâu thuẫn này làm cho công việc chung đụng không biết bao nhiêu trở ngại.

 Xin nói vài chuyện thật đơn giản: ở TP.HCM, Công viên Tao Đàn do Công ty công viên cy xanh quản lý, nhưng Thảo Cầm Viên lại do Sở Giao thông công chính quản lý. Cắt nghĩa thế nào đây? Một cách phân công chuyên ngành nặng về lý thuyết, còn về thực tế thì phân tán lực lượng. Bởi vậy, ông ống nước đào đường vừa lấp xong, ông đặt dây điện thoại, dây điện ngầm đào lên rồi lấp lại, ông thoát nước tiếp tục đào, trong khi chỉ có một con đường. Cung cách quản lý đó thật phản khoa học. Phản khoa học "ấu trĩ" - tôi quả quyết - bởi quản lý ở đây xuất phát từ sự "tự phong" của ngành quản lý chứ không từ đối tượng cần quản lý. Một con kênh Nhiêu Lộc đào tới đào lui mãi, tốn bạc tỷ, vẫn không thông, nước đen ngòm, đầy rác, bởi đào từng khúc xong thì bùn lấp kín, lại đi đào khúc khác và cứ thế kéo dài mãi. Chúng ta tạm gác qua một bên ván đề đạo đức phẩm chất trong thi công, song đường dẫn cầu vượt bé tí tẹo Nguyễn Hữu Cảnh, hầm chui ngắn ngủn cầu Văn Thánh là cái gì ghê gớm đến nỗi cả Bộ Giao thông, Sở Giao thông hàng mấy năm trời không cứu được chuyện lún của nó? Chắc có vấn đề trình độ chuyên môn, nhưng theo tôi, đó là chuyện phân công quản lý. Chúng ta có hàng trăm ví dụ về những trái khoáy như trên.

 Ai sẽ xử lý? Ai sẽ cho đáp số về những khúc mắc này? Theo tôi, đó là khoa học quản lý. Quản lý ngành Giáo dục, ngành Y tế, ngành Văn hóa, ngành Thể dục thể thao… đang gây đau đầu chúng ta. Một bệnh viện là nơi chữa trị chăm lo sức khỏe cho dân, lại ít được quan tâm hơn ai quản lý bệnh viện đó dù bệnh viện của trung ương hay của thành phố, trong khi sức khỏe là của con người. Trường học cũng vậy, Quản lý trường học bán công hay tư thục mà lấy khuôn mẫu quản lý trường công Nhà nước, làm sao thỏa đáng? Nhà nước đầu tư xây trường và trường Nhà nước phải là trường miễn phí nói chung. Còn trường dân lập hay tư thục là do một nhóm người, do một hợp tác xã, hoặc do một người đầu tư và mướn cán bộ chuyên môn phụ trách, lời ăn lỗ chịu, ngoài nguyên tắc phải tuân thủ chặt chẽ là Luật Giáo dục, các quy định về nội dung, chương trình giảng dạy, về sách giáo khoa, về chế độ thi tuyển, về phẩm chất, trình độ giảng viên... ngoài ra, họ muốn mướn ai có uy tín được phụ huynh và học sinh tín nhiệm thì họ cứ làm, mắc mớ chi mà quy định tuổi bao nhiêu mới có thể làm hiệu trưởng một trường tư thục? Quản lý càng ôm đồm, càng “bàn giấy", sẽ đưa quản lý vào ngõ cụt và tất yếu, phát sinh những cách "chạy" khác nhau, bê tha hóa những nơi lẽ ra phải thật trong sáng. Giáo sư giỏi như thầy Ngô Gia Hy - cháu gọi đồng chí Ngô Gia Tự là chú ruột - không được tiếp tục làm hiệu trưởng Trường đại học Dân lập Hùng Vương vì lớn tuổi, trong khi ở ngành quản lý giáo dục khá nhiều hiệu trưởng mặc áo sọc ra tòa.

 Tôi có thể còn viết dài hơn qua quan sát của bản thân, song bấy nhiêu có lẽ cũng quá đủ.

 Công tác quản lý là một công tác khoa học, nhà quản lý là một nhà khoa học và đây là một môn khoa học cực kỳ linh hoạt, cực kỳ sáng tạo.

 Điều mà tôi khát khao là làm sao xây dựng dần hệ thống lý luận quản lý Việt Nam trên tay ca những gì liên quan đến cuộc sống của đất nước và con người Việt Nam. Tới nay, tôi cho là đã tương đối đủ điều kiện, tư liệu để làm tốt việc đó. Trung Quốc tổng kết liên tục, các viện, các trường đại học Mỹ, Anh, Pháp, Úc tổng kết liên tục - tích lũy cho những phát hiện riêng. Tại sao ta không xốc dậy cả một quá trình quản lý - thực sự không ngắn lắm, nếu tính từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đã ngấp nghé 30 năm rồi - cùng bao nhiêu bước ngoặt, có "bước ngoặt kinh dị" và có bước ngoặt đổi mới đổi đời, từ đó rút ra cái đặc thù của quản lý theo Việt Nam. Đến nay tôi cảm giác ta cứ tránh né chuyện "khoán" của đồng chí Kim Ngọc, chuyện đồng loạt cải tạo công thương nghiệp, sang nông nghiệp ở miền Nam liền sau giải phóng. Bài học về loại vấn đề này chắc chắn đủ sức dạy cho chính chúng ta và con cháu chúng ta khôn hẳn lên.

 Tôi có một cuộc trao đổi với một nhà nghiên cứu Pháp, bạn thân, rất cảm tình với Việt Nam. Anh hỏi: ‘Tao không hiểu nổi tụi mày - anh hỏi vào đầu năm 2000 - là tại sao tụi mày lại "cách mạng văn hóa" năm 1975?, xóa bỏ các yếu tố liên quan đến sức sản xuất, chạy theo biến đổi quan hệ sản xuất bất cứ với giá nào? Rồi, 25 năm sau, tụi mày quay lại điểm xuất phát ban đầu. Tụi mày lẽ ra đâu có thua Thái Lan, lẽ ra là một Hàn Quốc ở Đông Nam Á..."

 Tôi lý giải tương đối dài với anh - anh công nhận tư duy của các nhà lãnh đạo và quản lý Việt Nam vào thời điểm đó đang mò mẫm tìm lối đi, đồng thời tiếc rẻ - còn anh phản bác tôi các lập luận khác. Anh bảo: "Nếu Trung Quốc không "đại nhảy vọt", không "công xã nhân dân", không "Hồng vệ binh", thứ hạng quốc tế về phát triển của họ cao hơn hẳn bây giờ.

 Tôi đồng ý với anh mặt này, mặc dù tôi hiểu "cấp quản lý" - trí thức hay thực hiện - cũng thuộc "thê đội 2" trong quyết sách chiến lược. Song, không có nghĩa là nhẹ trách nhiệm. Đồng bào ta có câu "Thầy dùi đáng sợ hơn vua".

 Dân tộc nào cũng làm lịch sử cho chính dân tộc mình. Dấu ấn khoa học quản lý nào cũng đóng lên quá trình diễn biến của một địa bàn, một thời gian, với địa chỉ cụ thể.

 Việt Nam sẽ "bay" xa. "Sẽ" không quá lâu đâu. Triệu chứng "cất cánh" đã lộ dần. Rút kinh nghiệm nhanh. Nhìn trước, nhìn sau cặn kẽ để hành trình vững chắc, đặc biệt để tỉnh táo "vào cuộc”, trong tình thế hiện nay -buổi chuyển tiếp của nhiều mặt đối lập trong bối cảnh một thế giới mà sự ổn định và an bình tương đối khá mong manh.

 Viết tới đây, tôi chợt nhớ Henry Palmerston (1784 ,1865), nguyên Ngoại trưởng rồi Thủ tướng Anh, kẻ phát động chiến tranh nha phiến ở Trung Quốc - một tên thực dân. Song, ông ta không hoàn toàn vô lý khi nói: "Chúng ta không có bạn đồng minh vĩnh hằng cũng không có địch thủ vĩnh cửu. Lợi ích của chúng ta mới là vĩnh cứu, vĩnh hằng và trách nhiệm của chúng ta là đeo đuổi những lợi ích đó". Đường lối cách mạng Việt Nam nói chung, từng thời kỳ nói riêng, đã được từng bước soi sáng. Còn khoa học quản lý, thực tiễn quản lý vẫn... mờ mờ ảo ảo...

 

(Chung ta)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • Vietnam CEO Forum 2018   Chuyên đề 1  Đại cơn sóng công nghệ toàn cầu  Cơ hội & thách thức
    • DOMI giới thiệu về sự phát triển của các tổ chức khoa học - công nghệ ngoài công lập ( Đơn vị 81)
    • Albert Antoine - Nhân sự trong chuyển đổi số
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38945
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 7851
  • Liên kết đối tác
    • Phan mem JED
    • Cac chuong trinh dao tao