QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VỀ NỘI DUNG HUẤN LUYỆN CÁN BỘ
(Cập nhật: 5/30/2014 4:31:23 PM)
Hồ Chí Minh cho rằng công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ nhằm mục đích làm cho mỗi cán bộ tiếp thu, bổ sung thêm những hiểu biết mới, nâng cao tầm nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, tiền đồ của dân tộc, rèn luyện phong cách làm việc tốt hơn. Quan trọng hơn là sau khi được huấn luyện, người cán bộ có thể thực hành trong thực tiễn công tác, làm việc tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: muôn việc thành công hay thất đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy cán bộ là gốc của thắng lợi, đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng. Nhưng để có đội ngũ cán bộ đông đảo về số lượng, tốt về chất lượng, đáp ứng mọi chuyển biến của tình hình nhiệm vụ cách mạng, đặc biệt trước mỗi bước ngoặt, Đảng phải xây dựng một chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện cán bộ một cách khoa học. Đảng phải đầu tư trí tuệ, công sức và tiến hành công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ một cách “công phu”, “chu đáo”, như người làm vườn chăm sóc những cây cối quý của mình. Người nói rõ: Đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, đập đi, hò đứng, là một cớ thất bại cho Đảng. Vì vậy, để hoàn thành vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân, cán bộ phải được đào tạo, rèn luyện để trở thành người “vừa hồng, vừa chuyên”, “có gan phụ trách, có gan làm việc” mới thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng giao phó.
Hồ Chí Minh cho rằng công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ nhằm mục đích làm cho mỗi cán bộ tiếp thu, bổ sung thêm những hiểu biết mới, nâng cao tầm nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, tiền đồ của dân tộc, rèn luyện phong cách làm việc tốt hơn. Quan trọng hơn là sau khi được huấn luyện, người cán bộ có thể thực hành trong thực tiễn công tác, làm việc tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn.
Xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, từ mục đích của công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh đề ra nội dung huấn luyện toàn diện cả về lý tưởng, phẩm chất, đạo đức, kiến thức; cả về lý luận lẫn thực hành; cả kiến thức văn hóa lẫn kỹ năng lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là kiến thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế… Chúng ta có thể khái quát quan điểm của Hồ Chí Minh về đào tạo, huấn luyện cán bộ ở một số nội dung dưới đây:
1). Huấn luyện nghề nghiệp.
Hồ Chí Minh yêu cầu trước hết mỗi cán bộ phải biết một nghề để sinh hoạt, ai lãnh đạo trong lĩnh vực nào phải biết chuyên môn về lĩnh vực ấy. Để đáp ứng yêu cầu đó, trong công tác huấn luyện “phải thực hành khẩu hiệu: Làm việc gì, học việc ấy”[1]. Nhưng không thể chỉ biết qua loa để đối phó với công việc trước mắt, mà làm nghề gì phải thạo nghề ấy, học việc gì phải thạo việc ấy. Cán bộ quân sự, chính trị, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, công an… đều phải thành thạo lĩnh vực công tác của mình.
Theo Hồ Chí Minh, nội dung huấn luyện chuyên môn bao gồm: điều tra, nắm chắc tình hình có quan hệ với công tác; nghiên cứu, học tập kỹ những chính sách, chỉ thị, nghị quyết có quan hệ trực tiếp đến nghề nghiệp; tìm hiểu, gom góp, nắm chắc những kinh nghiệm thành công và thất bại của các cơ quan và cán bộ trong ngành nghề đang học, đang làm; nắm chắc lịch sử biến đổi của môn học, của ngành nghề; nghiên cứu sâu lý luận, “cán bộ của môn nào thì nghiên cứu sâu lý luận của môn ấy”. Dù học quân sự hay kinh tế, chính trị hay văn hóa… đều phải có sự hiểu biết một cách có hệ thống những nội dung này. Người nói rõ: Ngày nay, chuyên môn không còn trình độ giản đơn như trước nữa mà ngày càng đòi hỏi có trình độ cao hơn. Thực tiễn cho thấy việc chuyên sâu vào một lĩnh vực chuyên môn nào đó để trở thành không chỉ người lãnh đạo, người quản lý mà còn phải trở thành một chuyên gia là yêu cầu tất yếu đối với cán bộ lãnh đạo những ngành hoặc lĩnh vực cụ thể nào đó mà mình được giao phó. Chính yêu cầu này đã đặt ra cho họ một tinh thần học tập và rèn luyện nghiệp vụ một cách nghiêm ngặt. Nếu không có ý thức đó thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Và đương nhiên, họ sẽ tụt hậu, tự sa thải trước sự tiến bộ và đòi hỏi của thực tiễn ngày càng cao. Đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý đất nước không thể chỉ nói chính trị hoặc đường lối chính sách suông như trước đây mà ngày nay đang đòi hỏi một năng lực khoa học mới lãnh đạo và quản lý được. Cho nên, trước hết vẫn phải nhấn mạnh nội dung huấn luyện nghề nghiệp hay nghiệp vụ như Hồ Chí Minh đòi hỏi trước đây.
b) Huấn luyện chính trị.
Huấn luyện chính trị là yêu cầu bắt buộc cho cán bộ ở tất cả các ngành và phải được tiến hành thường xuyên. Người cho rằng, người cán bộ nếu có văn hóa, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm mà không có chính trị như “một mắt sáng một mắt mờ”. Sự yếu kém về nhận thức chính trị và tình trạng thiếu kiến thức về lý luận sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nó làm cho cán bộ lúng túng, thiếu vững vàng về lập trường giai cấp công nhân, về niềm tin vào con đường đi lên của đất nước. Nguy hại hơn nữa là “một sự ngu dốt này làm phát sinh một sự ngu dốt khác và một sai lầm này gây nên các sai lầm khác”[2]. Người cán bộ khó đạt được hiệu quả cao trong công tác.
Ngành nào cũng phải được huấn luyện chính trị, nhưng cần theo đặc thù chuyên ngành mà nội dung huấn luyện chính trị nhiều ít khác nhau. Huấn luyện chính trị cho cán bộ gồm hai thứ: thời sự và chính sách. “Cách huấn luyện thời sự là khuyên gắng và đốc thúc cán bộ xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng và định kỳ khai hội cán bộ, báo cáo thời sự. Huấn luyện chính sách là đốc thúc các cán bộ nghiên cứu và thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng, của Chính phủ”[3]. Qua đó, người học nắm chắc được những vấn đề chủ yếu của đường lối, chính sách và pháp luật và có thể phát hiện những bất cập trong đường lối, chính sách và pháp luật để kiến nghị với Đảng, Nhà nước sửa đổi, hoàn thiện cho sát hợp thực tế.
Với nội dung giáo dục này đòi hỏi phải kịp thời quán triệt những quan điểm mới nhất của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đội ngũ cán bộ một cách thiết thực và sâu sắc. Với người học đòi hỏi phải vừa học tập và trao đổi những nội dung mới, đồng thời vận dụng kinh nghiệm của bản thân, của địa phương, cơ sở để làm sáng tỏ nội dung đang học tập, nâng cao vốn hiểu biết rộng hơn, sâu hơn để thực hành tốt hơn sau khi được huấn luyện.
Ngày nay công tác huấn luyện chính trị cho cán bộ cũng không chỉ nói chung chung. Chính trị ngày nay là những vấn đề liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, làm sao cho dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà những việc đó là những việc gắn với khoa học, đòi hỏi một trình độ khoa học cao mới đảm nhận được. Cho nên, nói chính trị cũng là nói đến nghiệp vụ hoặc gắn với nghiệp vụ một cách hữu cơ. Điều đó đòi hỏi cán bộ phải được học tập, được huấn luyện toàn diện, thường xuyên như Hồ Chí Minh đòi hỏi.
c) Huấn luyện văn hóa
Huấn luyện văn hóa là yêu cầu rất quan trọng đối với cán bộ, đặc biệt những cán bộ còn kém văn hóa. Hồ Chí Minh coi huấn luyện văn hóa là nền tảng để phát triển tri thức, là cơ sở để nâng cao trình độ mọi mặt của người cán bộ. Cán bộ không nắm được những kiến thức thông thường sẽ rất khó khăn trong nghiên cứu lý luận hoặc học chuyên môn, nghiệp vụ. Về điều này, Người viết: “phải chú ý dạy văn hóa cho những đồng chí kém văn hóa để giúp cho họ tiến bộ về lý luận và công tác”[4]. Nhưng Người cũng chỉ rõ: “những cán bộ học trong những lớp này phải theo trình độ văn hóa cao hay thấp mà đặt lớp, chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp”[5].
Theo Hồ Chí Minh, huấn luyện văn hóa phải hiểu theo nghĩa rộng là ngoài việc bồi dưỡng kiến thức văn hóa phổ thông, cần huấn luyện những môn bổ trợ để giúp người cán bộ vừa có hiểu biết rộng, vừa có kiến thức chuyên sâu. Nội dung huấn luyện văn hóa là phải dạy cho cán bộ không những kiến thức thông thường về lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, cách viết báo cáo… mà còn phải hiểu nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Do đó, sự hiểu biết về văn hóa là vô cùng, không thể biết thế nào là đủ. Chính điều đó đặt ra cho cán bộ một nội dung học tập rất phong phú trên rất nhiều lĩnh vực. Người cán bộ cách mạng càng kiến thức văn hóa cao, thì sẽ đáp ứng được những yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao.
d) Huấn luyện lý luận
Nội dung huấn luyện cho cán bộ được Hồ Chí Minh đề ra khá sớm và được Người xem trọng phải nói đến là việc giáo dục lý luận. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã trích hai câu trong tác phẩm Làm gì của Lênin để cán bộ đảng viên hiểu tầm quan trọng của lý luận: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”[6]. Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”[7]. Người còn nhấn mạnh: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”. “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[8]. Bởi vậy, theo Người bất kỳ hoàn cảnh nào cán bộ cũng phải không ngừng học tập lý luận.
Nội dung huấn luyện lý luận Mác – Lênin rất rộng lớn, bao gồm một hệ thống nhiều nguyên lý, luận điểm, đề cập đến các mặt, quy luật vận động khác nhau của sự nghiệp cách mạng, của đời sống xã hội. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu nội dung huấn luyện phải lựa chọn, sắp xếp trước sau tùy theo trình độ cán bộ, tùy theo nhiệm vụ từng thời kỳ cách mạng để phát huy tác dụng, phục vụ thực tiễn. Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, nội dung huấn luyện là các vấn đề liên quan đến cách mạng thuộc địa, giành chính quyền, tập hợp, vận động quần chúng, xây dựng chế độ dân chủ mới. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải chú trọng giảng dạy lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để công tác huấn luyện lý luận đạt kết quả tốt, Hồ Chí Minh đã so sánh các “cách huấn luyện”:
“Cách thứ nhất” kém hiệu quả, không thiết thực. Đó là “chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích”[9].
“Cách thứ hai” là “trong lúc học lý luận phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế”. Bảo đảm là sau khi học “họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị, có thể làm được những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích”[10].
“Cách huấn luyện đúng” là kết hợp chặt chẽ giữa học lý luận và nghiên cứu thực tiễn, nói đi đôi với làm. Đây là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, là biện pháp cơ bản để chống lại “thực tiễn mù quáng” và “lý luận suông”. Đây cũng là cách học tốt nhất để cán bộ vừa hiểu sâu lý luận, vừa làm tốt công tác thực tiễn. Theo Hồ Chí Minh, lý luận gắn với thực tiễn là “liên hệ với những vấn đề thực tế ở trong nước và trên thế giới, những vấn đề và nhiệm vụ cách mạng hiện nay đề ra cho Đảng ta, đem lý luận học được tìm xem đường lối và phương pháp giải quyết các vấn đề đó như thế nào cho đúng; hoặc phân tích các kinh nghiệm công tác đã qua của Đảng và tìm nguyên nhân của những thành công và thất bại của Đảng”[11]. Có như vậy bằng kiến thức lý luận, người cán bộ sẽ giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn, củng cố lập trường, nâng cao quan điểm và phương pháp làm việc.
Hồ Chí Minh yêu cầu trong quá trình học tập lý luận Mác – Lênin, cán bộ phải hiểu học thuyết Mác - Lênin là một học thuyết mở chứ không phải học thuyết nhất thành bất biến. Học thuyết này cần được bổ sung và làm phong phú thêm qua tiến trình của thực tiễn, cách mạng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Người nói rõ: Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta chứ không phải học tập một cách giáo điều, kinh viện để rồi áp dụng một cách máy móc. Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, “công việc bê trễ thì không thể nói là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin”, “sống với nhau không có tình, có nghĩa thì không thể nói là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.
Theo Hồ Chí Minh, nội dung của việc giáo dục, đào tạo và tu dưỡng rèn luyện người cán bộ cách mạng vô cùng phong phú, trong đó có việc tu dưỡng rèn luyện về đạo đức kết hợp một cách hữu cơ với việc đào tạo về kiến thức, việc bồi dưỡng nhằm phát triển tài năng của mỗi cán bộ. Nhưng trên đây là những nội dung cụ thể, thiết thực được Người đúc kết và nhấn mạnh. Mục đích của công tác huấn luyện cán bộ như Người từng quán triệt là: “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật”.
Ngày nay, đất nước đang trong thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường, thời đại phát triển khoa học và công nghệ, thời đại “mở cửa”, giao lưu văn hóa rộng rãi với các nước trên thế giới… nội dung học tập, tu dưỡng và rèn luyện người cán bộ cách mạng như học ngoại ngữ, tin học, các loại kiến thức hiện đại khác. Nhưng nội dung đào tạo, huấn luyện mà Hồ Chí Minh đề ra trước đây cho cán bộ vẫn còn nguyên giá trị, phải thường xuyên thực hiện. Khác chăng là ở nội dung chất lượng ngày nay đòi hỏi cao hơn, phong phú hơn, do đó yêu cầu về nội dung đào tạo, huấn luyện cũng phải cao hơn, phong phú hơn để đội ngũ cán bộ xứng đáng là lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc, của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
[1], 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 270, 271.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 83.
[4],5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 47, 271.
[6],7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 259, 268.
[8],9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 233-234, 272.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 272.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 498.
(Đặc san Hồ Chí Minh học số tháng 12 năm 2012)
Tin tức liên quan
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài học lịch sử và kinh nghiệm trọng dụng nhân tài
- Cải cách chính sách tiền lương: Cơ chế nào cho phù hợp?
- Thực trạng và giải pháp cải cách tiền lương tại Việt Nam
- Toàn văn tham luận của ông Lê Đình Quảng về Bộ luật Lao động 2012
- Nghiệm thu dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường phân bón phía Bắc và nghiên cứu các giải pháp truyền thông hiệu quả trong việc tiếp cận sản phẩm tới người tiêu dùng”
- Vai trò của tổ chức đại diện người lao động trong cơ chế ba bên
- Quyền của người lao động trong Hiến pháp năm 2013
- Nguồn nhân lực Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
- Ép nhà khoa học nói dối
- THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP VỀ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT NAM
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều
- Thăm dò ý kiến
- Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
- Các trang tìm kiếm trên internet
- Được người khác giới thiệu
- Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
- Thông tin trên Brochure, namme card
- Từ nguồn thông tin khác
- Xem kết quả