Bảo hiểm xã hội mới: Chuyên gia lạc quan, lao động mất niềm tin
(Cập nhật: 1/13/2016 9:01:15 AM)
Cách thu bảo hiểm xã hội dựa trên lương và phụ cấp được chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp người lao động bớt hụt hẫng về già, nhưng điều đó không đủ lấp đầy nỗi lo của những công nhân đang ăn đong từng bữa
Từ 1/1/2016, người lao động sẽ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Chính sách này nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Thiệt trước mắt, lợi về già
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Trưởng phòng pháp luật - Quan hệ Lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, cách tính BHXH mới này xuất phát từ thực tế. Quá trình tổng kết thực tiễn và thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 cho thấy nhiều doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động trên cơ sở tiền lương tối thiểu hoặc cao hơn một chút. Doanh nghiệp cũng chia thu nhập của người lao động ra làm nhiều loại phụ cấp để làm giảm phần đóng BHXH. Ví dụ, cũng là tiền lương nhưng lại chia ra phụ cấp chuyên cần, năng suất… dẫn đến tổng phụ cấp lại cao hơn lương chính.
Điều này dẫn đến tiền đóng BHXH còn thấp, chỉ chiếm 66% mức thu nhập thực lĩnh của người lao động. Hệ quả là lương hưu người lao động được hưởng rất thấp, không đảm bảo đời sống. Vì vậy, luật mới quy định tiền đóng BHXH phải dựa trên cơ sở tiền lương và phụ cấp để khắc phục tình trạng người nghỉ hưu được nhận lương hưu quá thấp.
Bà Ngân phân tích, người lao động nên nhìn vào những điểm có lợi về lâu dài trong chính sách mới, là đóng nhiều thì hưởng lương hưu cao. Nhiều người đi làm lương rất cao nhưng lại đóng BHXH chưa bằng nửa lương thực lĩnh. Về già không có nguồn thu nào khác, dễ hụt hẫng khi chăm lo cho cuộc sống. Hàng năm tiền lương hưu đều được điều chỉnh theo tỷ lệ trượt giá, nên người lao động không cần lo lắng quá về việc lương hưu không "chạy đua" nổi với trượt giá.
"Người lao động trích 8% lương hàng tháng đóng cho quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng khi về già họ được hưởng tối đa 75% lương hưu nếu tích lũy đủ số năm đóng BHXH. Ngoài ra, người lao động cũng không phải đóng tiền vào quỹ ốm đau, tai nạn lao động, nghề nghiệp, phần đó doanh nghiệp sẽ lo. Chẳng may bị tai nạn, ốm đau, bệnh nghề nghiệp thì họ vẫn được hưởng", bà Ngân phân tích và cho rằng, lao động nào chưa muốn đóng là do chưa hiểu luật.
Để đối phó, doanh nghiệp có thể cắt giảm lao động hoặc "né" bằng cách chuyển phụ cấp thành các khoản khác không có trong quy định, dẫn đến thiệt thòi cho lao động. Điều này là không tránh khỏi nhưng cũng không phổ biến. Bởi khi bỏ tiền thuê thì phải tìm được người biết làm việc, nên doanh nghiệp vẫn cần lao động có chuyên môn lẫn lao động phổ thông.
"Sắp tới, Bộ Lao động sẽ ban hành thông tư hướng dẫn, quy định cụ thể những phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Phụ cấp sẽ tập trung vào các khoản cố định, lâu dài chứ không phải là những loại phụ cấp biến động thường xuyên. Đây là điều cơ quan quản lý hướng đến để tránh gây xáo trộn quá nhiều cho doanh nghiệp", bà cho hay.
Theo bà Ngân, đóng BHXH thấp dẫn đến hưởng lương hưu thấp, cuộc sống về già bấp bênh. Ảnh: K.N. |
Gánh nặng cho doanh nghiệp
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chính sách mới giúp người lao động hưởng lợi về lâu dài nhưng trước mắt thì bị thiệt thòi về thu nhập, cũng sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp. "Cùng với tăng lương tối thiểu vùng, tăng tiền đóng BHXH sẽ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong khi doanh thu chỉ có một cục, tăng cái này buộc họ phải cắt giảm khoản khác, phụ cấp sẽ biến tướng làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động", ông nói.
Theo ông, để giảm áp lực cho doanh nghiệp, nhà nước nên có lộ trình cụ thể chứ không nên áp dụng cùng một lúc với đồng loạt doanh nghiệp. Bởi thời buổi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều phía. Tăng quyền lợi cho người lao động nhưng cũng phải nhìn nhận từ góc độ người chủ.
Ông Long phân tích, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhiều người lao động chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, không nhìn lâu dài nên ngại đóng BHXH theo đúng thu nhập mà tìm cách né tránh. Họ thích tiền tươi thóc thật, sợ nhiều bất ổn trong cuộc sống, cũng là thiếu niềm tin vào tương lai đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng như đối với kinh tế vĩ mô. Hiện dù lạm phát được nhà nước kiểm soát nhưng cũng chưa thật ổn định khiến người lao động lo lắng. Việc phải sửa Điều 60 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chưa có hiệu lực là điều dễ nhận thấy.
"Muốn cho người lao động thấy rõ lợi ích, ngoài tuyên truyền thì phải cho họ thấy được niềm tin trong lương lai mới là quan trọng. Điều này chỉ thực hiện được khi Chính phủ có những giải pháp khiến nền kinh tế sáng sủa hơn, doanh nghiệp hoạt động tốt hơn", ông nói.
Người lao động không muốn chờ tương lai
Những phân tích của chuyên gia về lợi ích của chế độ BHXH mới chưa khiến chị Nguyễn Thị Thìn, 25 tuổi, công nhân KCN Từ Sơn (Bắc Ninh) bình tâm hơn. "Em cũng hiểu cách mới sẽ được hưởng lương hưu khi về già, nhưng công nhân như bọn em lo ăn đong từng bữa nên không thể trông chờ tương lai quá xa vời như thế. Cuộc sống vất vả, đi làm còn canh cánh nỗi lo không biết khi nào công ty cắt giảm, sa thải công nhân, rồi ông chủ bỏ trốn", chị tâm sự.
Tổng lương và phụ cấp của chị Thìn hiện là hơn 5 triệu đồng. Toàn bộ chi phí thuê nhà trọ, nuôi con nhỏ hơn một tuổi trông chờ vào đồng lương ít ỏi. Đóng thêm BHXH là phải bớt tiền mua sữa cho con. Chị Thìn dự tính chỉ làm công nhân thêm vài năm nữa rồi chuyển sang buôn bán hoặc về quê làm ruộng.
"Em không thể làm công nhân cả đời, chờ đóng bảo hiểm đủ 30 năm để được nhận lương hưu. Giờ chỉ mong cuộc sống trước mắt không phải vay mượn là mừng lắm rồi, ai nghĩ được sâu xa 20-30 năm sau. Có lẽ, cách đóng mới này chỉ hợp với những người lương cao, thu nhập ổn định và lâu dài", chị nói.
Nhưng những người "lương cao" hơn 10 triệu đồng mỗi tháng như anh Lê Đức Hoàng (34 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng không lạc quan hơn. Theo anh, nhà nước nói là có lợi cho người lao động khi về già, nhưng trước mắt công ty cắt giảm phụ cấp hoặc giảm bớt nhân viên thì ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của người lao động.
"Chưa kể giờ muốn được lương hưu, nam giới như tôi phải tích lũy đủ 35 năm đóng BHXH mới hưởng tối đa 75%. Tôi mới đóng BHXH được hơn 6 năm, phải tích lũy đủ 29 năm nữa. Chẳng biết lúc đó đồng tiền mất giá, lương hưu còn bao nhiêu. Chưa kể giờ ăn uống chỗ nào cũng có hóa chất, ung thư đầy rẫy, không biết có sống đến lúc đó mà hưởng lương hưu không. Sau này có bất trắc gì, người lao động biết kêu ai", anh đặt câu hỏi.
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng BHXH sẽ thay đổi từ đầu năm tới. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Trước việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn chưa có thông tư quy định cụ thể về cách đóng, mức đóng, các loại phụ cấp quy định làm cơ sở đóng BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết, đã mời các cơ quan có liên quan đến để xử lý vấn đề này. Nếu Bộ Lao động không hướng dẫn dễ gây "ách tắc" cho doanh nghiệp, người lao động không hiểu rõ chính sách. "Chưa ra được văn bản hướng dẫn thì phải trả lời cho người lao động, doanh nghiệp biết là đang áp dụng mô hình nào để họ còn tự động mà thực hiện", ông Lợi nói. |
(Phương Hòa - Vnexpress - VTV)
Tin tức liên quan
- Thay đổi quan trọng trong chế độ bảo hiểm xã hội từ năm 2016
- Thứ trưởng Lao động: 'Đổi mức đóng bảo hiểm là cuộc cách mạng lớn'
- Từ 1/1/2016, mức đóng bảo hiểm xã hội thay đổi thế nào
- Lương thấp, vào công chức vẫn như 'miền đất hứa'
- Hàng nghìn lao động công sở Hà Nội có thể mất việc
- 6 bước trong chiến lược tái cơ cấu doanh nghiệp
- Choáng: Tư vấn dự án ODA ăn lương 500 triệu/tháng
- Ban hành nghị định về các giải thưởng lĩnh vực KHCN
- Doanh nghiệp khoa học công nghệ và bài toán gỡ vướng
- Việt Nam xếp 89/125 về đóng góp khoa học công nghệ
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều
- Thăm dò ý kiến
- Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
- Các trang tìm kiếm trên internet
- Được người khác giới thiệu
- Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
- Thông tin trên Brochure, namme card
- Từ nguồn thông tin khác
- Xem kết quả