Nghiên cứu khoa học: Không chạy theo số lượng!
(Cập nhật: 10/21/2012 9:01:54 PM)
Tại “Hội nghị Triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên năm 2012” do Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia tổ chức tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ thẳng thắn, qua nhiệm kỳ lần thứ nhất việc đánh giá đề tài và nghiệm thu đề tài còn khá nhẹ tay và rõ ràng nhờ đó chúng ta đã đi lên. Tuy nhiên, nhiệm kỳ mới 2012-2015, cần phải có những tiêu chí chặt chẽ hơn chứ không nên chạy theo số lượng mà phải đặt mục tiêu chất lượng lên đầu.
Nếu như nhiệm kỳ 2009-2012, việc xét chọn tài trợ cho các đề tài chỉ quy định ưu tiên tài trợ cho các đề tài có bài báo công bố quốc tế ISI nhưng nhiệm kỳ 2012-2015, việc công bố bài báo quốc tế là bắt buộc cho các đề tài với quy định 2 bài báo quốc tế ISI trong 2 năm nghiên cứu. Theo Ban quản lý quỹ, quy định này được xem là một bước đột phá để quỹ hội nhập với quốc tế, là sân chơi nhằm lựa chọn những nhà khoa học thực sự làm khoa học và chỉ có những nhà khoa học làm khoa học chân chính mới có thể bước vào sân chơi đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, tiêu chuẩn chung bắt buộc 2 bài báo ISI cho một đề tài nghiên cứu trong 2 năm là chưa khách quan và thiếu công bằng. TS Lê Hữu Song, Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 cho rằng, đối với các nhà khoa học làm việc liên quan đến thí nghiệm, thực hành, xét nghiệm như lĩnh vực sinh học phân tử hay y sinh học để một năm có 1 bài báo là rất khó và không dễ để có được bài báo quốc tế ISI. TS Song dẫn chứng, làm thí nghiệm phải mất cả nửa năm, viết báo cáo đến cả năm thậm chí còn lâu hơn mới có được 1 bài báo. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, nhiều nhà khoa học sẽ không dám tham gia.
Đồng tình với TS Song, GS.TS Phạm Hùng Việt, Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, trường Đại học khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, đối với các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu chuyên ngành, một năm có một bài báo khoa học là có thể khả thi và thực hiện được, thế nhưng đối với các nhà khoa học ở các trường đại học, trách nhiệm giảng dạy là rất lớn nên 2 năm mà có được một bài báo quốc tế đã được xem là thành công chứ chưa nói đến việc phải có 2 bài báo ISI trong 2 năm để nhận được tài trợ của quỹ.
GS.TSKH Ngô Việt Trung, viện Toán học (Viện KH&CN Việt Nam) khẳng định, có một quan niệm rất sai lầm là ngành toán công bố quốc tế rất dễ nhưng thực ra, đây lại là một trong những ngành khó công bố nhất. Đối với ngành toán trong 2 năm chỉ cần công bố được 1 bài báo quốc tế đã có thể được gọi người đó là một nhà toán học và đại đa số các nhà toán học Việt Nam hiện nay, thời gian 2 năm chỉ đủ để công bố 1 bài báo quốc tế. Quy định hai năm cho 2 bài báo quốc tế ISI, vô hình chung đã gạt những người nghiên cứu khoa học ra khỏi sân chơi của quỹ. “Hội đồng quỹ nên xem xét hạ tiêu chuẩn chung xuống 1 bài báo và phân chia thành các mức 1 bài, 2 bài, 3 bài, 4 bài báo quốc tế. Đồng nghĩa với nó, thì sự hỗ trợ cũng phải xem xét sao cho tương xứng với các mức khác nhau” GS Trung đề xuất.
Nghiên cứu khoa học tại Viện KH&CN Việt Nam_ Ảnh Minh Cường |
Cần có tiêu chí riêng
Theo ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted), trước khi quỹ thành lập, trong khoảng thời gian 3 năm có hơn 1000 đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng số bài báo công bố quốc tế ISI rất hạn chế chỉ chưa tới 200 bài báo. Từ khi có quỹ, cũng trong 3 năm hoạt động cũng với khoảng 1000 hồ sơ, quỹ đã tài trợ 223 đề tài và đã có 129 đề tài (chiếm 58 %) đã đủ điều kiện đánh giá còn 42% đề tài chưa được đánh giá do nhiều lý do khác nhau. Nhưng chỉ tính số đề tài đã được đánh giá tức là 129 đề tài đó đã có 547 bài báo quốc tế ISI. Nếu chia bình quân cho mỗi đề tài được xét có khoảng 4,2 bài báo ISI/đề tài, kể cả nếu chia cho tất cả đề tài được tài trợ (223 đề tài) cũng đạt 2,5 bài báo ISI/đề tài.
“So sánh thế này chúng ta mới thấy Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia đã và đang đi đúng hướng, có hiệu quả và chất lượng rất cụ thể, rõ ràng. Hoạt động của quỹ còn có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng khoa học trong và ngoài nước. Sản phẩm của quỹ đã được thế giới biết đến thông qua các bài báo quốc tế. Các viện nghiên cứu, các trường đại học cũng đã đặt ra tiêu chí công bố quốc tế trong hệ thống ISI làm cơ sở đánh giá hoạt động khoa học” ông Dũng nói.
GS.TSKH Ngô Việt Trung cho rằng công bố quốc tế là rất tốt nhưng không phải chỉ dựa vào ISI bởi bài báo ISI cũng có nhiều loại chất lượng khác nhau. GS Trung lấy dẫn chứng, chỉ tính trong ngành toán, có không ít các tạp chí quốc tế chỉ cần nộp tiền vào là mấy tuần sau đã có thể được đăng và quá trình phản biện bài báo cũng hết sức sơ sài. Nếu chỉ nhìn vào số lượng bài báo ISI để cấp kinh phí tài trợ thì các hội đồng xét chọn sẽ rất khó để đánh giá đề tài đó được hay không được tài trợ. GS Trung cũng cho rằng, cũng nên xem xét đến các bài báo đăng trong các tạp chí chuyên ngành trong nước mà có chất lượng xuất sắc nhằm khuyến khích và đẩy mạnh chất lượng cho các ấn phẩm tạp chí trong nước. Để đánh giá xét chọn đề tài, các hội đồng khoa học trong Khoa học tự nhiên cần có thang điểm cho từng tạp chí ISI và thang điểm cho các bài báo trên các tạp chí trong nước để làm sao để tài trợ của quỹ thực sự góp phần phát triển chuyên môn, xây dựng lực lượng chứ không phải đơn giản chỉ là trả tiền cho các bài báo công bố quốc tế.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia khẳng định, việc đưa tiêu chí bài báo công bố quốc tế ISI để nói lên rằng sân chơi của quỹ là rất chặt chẽ và rất rõ ràng trong việc đánh giá chứ không phải bất kỳ đề tài nào cũng được đánh giá tốt. Quỹ đã có những tiêu chuẩn riêng tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế để đánh giá để làm sao Việt Nam có một đội ngũ nghiên cứu mạnh.
Tuy nhiên, mỗi ngành sẽ có đặc thù riêng nên các hội đồng cần xem xét để thống nhất với nhau mức bài báo quốc tế thế nào là vừa phải, làm sao để nâng cao chất lượng đối với các bài báo và xem xét mức thưởng đối với các bài báo xuất sắc, kể cả việc lựa chọn đề tài nào, cấp kinh phí là bao nhiêu đều do các hội đồng đề xuất. “Tôi mong muốn các hội đồng khoa học ngành Khoa học tự nhiên nhiệm kỳ mới không chỉ xem xét các đề tài mà còn góp ý việc cơ chế chính sách. Các hội đồng nên có đề xuất tiêu chí riêng cho từng hội đồng và có đề xuất chung cho cả quỹ để ban quản lý quỹ xem xét, bổ sung hoàn thiện, từng bước loại bỏ các bất cập còn tồn đọng” Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
(Minh Cường - Datviet)
Tin tức liên quan
- Quản lý nghiên cứu khoa học: Chưa minh bạch?
- Ngại nghiên cứu về quản lý đô thị
- Giới thiệu phần mềm Đánh giá giá trị công việc theo các nguyên tắc cơ bản của công nghệ HAY
- Khoa học của ta đang ở đâu?
- Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu: Báo động đỏ
- Năng lực nghiên cứu khoa học Việt Nam ra sao (I)
- Mục đích hay công cụ kiếm sống
- MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DỰ BÁO NGUỒN NHÂN LỰC Ở VIỆT NAM
- Khoa học quản lý - khoa học của hành động
- Các học thuyết lãnh đạo, quản trị
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều
- Thăm dò ý kiến
- Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
- Các trang tìm kiếm trên internet
- Được người khác giới thiệu
- Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
- Thông tin trên Brochure, namme card
- Từ nguồn thông tin khác
- Xem kết quả