VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
(Cập nhật: 3/15/2013 2:34:35 PM)
Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tư, khoá XI vừa qua, Đảng ta đã chỉ ra những thành tựu và yếu kém trong công tác cán bộ. Trong đó, một nguyên nhân căn bản nhất của tình trạng yếu kém là việc đánh giá cán bộ chưa chính xác. “Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”1. Đánh giá cán bộ là một khâu cốt lõi trong công tác tổ chức cán bộ, tình trạng yếu kém trong công tác này đã được chỉ ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn là vấn đề khó, chậm được khắc phục. Trong tình hình đó, việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ để làm tốt công tác tổ chức cán bộ trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.
- Cái khó, tầm quan trọng và lỗi lầm thường mắc trong đánh giá cán bộ
Từ xưa cho đến nay, trong xã hội việc đánh giá đúng con người vẫn là vấn đề khó khăn vào bậc nhất. Người xưa có câu: Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt; tri nhân tri diện bất tri tâm. Nghĩa là vẽ hổ vẽ da, khó vẽ xương; biết người biết mặt khó biết tâm. Do hiểu biết về con người khó khăn đến thế, nên trong quân sự, nhà binh pháp Tôn Tử cho rằng: Biết địch, biết ta trăm trận, trăm thắng. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Biết mình biết người, công việc thành công. Vì thế việc hiểu biết, đánh giá cán bộ được coi là khâu quyết định thành công của công tác tổ chức cán bộ của Đảng, Nhà nước.
Do công tác đánh giá cán bộ có tầm quan trọng như vậy, nên Đảng, Nhà nước ta đã ban hành các loại tiêu chuẩn cán bộ và quy trình đánh giá, tuyển chọn, đề bạt cán bộ. Bấy lâu nay, công tác tổ chức cán bộ đã làm theo đúng những tiêu chuẩn, quy chế, quy định, quy trình đó. Tuy vậy, như đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhận định: “Kết quả đánh giá cán bộ cho đến nay vẫn chưa được như mong muốn, bởi vì đây vẫn là khâu khó, mà khó nhất là làm sao để đánh giá đúng cái "tâm", cái "tầm", bản lĩnh chính trị và các mối quan hệ gia đình, xã hội... của người cán bộ”2.
Chính trong bối cảnh như vậy, những đúc kết lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và trách nhiệm của người lãnh đạo với việc đánh giá cán bộ thực sự gợi mở, định hướng giải quyết vấn đề, giải quyết khó khăn trong thực tiễn công tác đánh giá cán bộ ở nước ta hiện nay.
Cái khó như Người chỉ ra, muốn biết người, muốn đánh giá đúng cán bộ trước hết phải biết mình, biết ưu điểm, nhược điểm của mình: “ Biết người cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người. Vì vậy, muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái ở mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể biết rõ cán bộ tốt hay xấu”3.
Người lãnh đạo có tài, có đức, có trí tuệ minh mẫn có cái tâm trong sáng, cao đẹp, thì chắc chắn sẽ có tài phát hiện, đánh giá, lựa chọn được những người cán bộ tốt. Còn trong điều kiện bình thường, Cái khó của đánh giá đúng cán bộ là ở chỗ, muốn biết người, muốn đánh giá đúng cán bộ, thì trước hết người lãnh đạo phải khắc phục được những nhược điểm của mình trong cách nhìn người và đối xử với cán bộ. Hồ Chỉ Minh chỉ ra những căn bệnh thường mắc trong đánh giá cán bộ:
1. Tự cao tự đại,
2. Ưa người ta nịnh mình,
3. Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người,
4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau.
Người khẳng định rõ: “Phạm một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”4.
Do mắc 4 căn bệnh nói trên trong cách đánh giá cán bộ, nên dẫn đến những khuyết điểm trong lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ. Như:
1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét người chính trực.
3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Với cách dùng người đó dẫn đến “Kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho cho chúng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá người lãnh đạo”5.
Hiện nay, những những căn bệnh, khuyết điểm này cũng đang diễn ra ở một số nơi trong đánh giá, sử dụng và đề bạt cán bộ. Cho nên, vấn đề đầu tiên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là: ”Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”6. Ngược lại, bản thân người có quyền hạn và trách nhiệm đánh giá, đề bạt cán bộ còn nhiều khuyết điểm, thậm chí suy thoái về chính trị, tư tưởng hoặc đạo đức lối sống, thì không thể đánh giá đúng và sử dụng, đề bạt đúng cán bộ.
- Một số phương châm, kinh nghiệm đánh giá cán bộ.
Là nhà tư tưởng, đồng thời là lãnh tụ thiên tài, sáng lập Đảng, sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất, sáng lập Quân đội và sáng lập Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những phương châm và kinh nghiệm đánh giá cán bộ quý giá.
Trước hết, việc đánh giá cán bộ không được chấp nhất, định kiến mà phải biến hoá, linh hoạt. Bởi vì: “Trong thế giới cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất., vì nó cũng phải biến hoá”7. Thí dụ: có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng. Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau.
Cần có cái nhìn toàn diện, lịch sử, cụ thể, hiểu rõ tính cách, bản chất của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ:
“ Xem xét cán bộ, không chỉ xem xét ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem xét một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”8. Người phân tích; Có người lúc phong trào cách mạng lên cao, họ vào Đảng, họ làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào hơi khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí hoá ra phản cách mạng, làm mật thám. Muốn làm mật thám được việc, thì nó lại càng công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt.
Đánh giá cán bộ không thể không xem xét hình thức bề ngoài của cán bộ. Hình thức, phong cách bên ngoài phản ánh nội dung, phẩm chất bên trong của cán bộ. Các cụ thường nói: Trông mặt đặt tên. Trông mặt mà bắt hình dong. Tuy vậy, đôi khi bề ngoài con người không phản ánh đúng bản chất bên trong. Có người trông mạnh bạo mà dút dát. Có người nhìn có vẻ mềm mỏng mà thô bạo, ra sức làm mà không trung thành,v,v. Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xem xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ càng toàn bộ công việc của cán bộ.
Cần xem xét năng lực công tác, thái độ đối với nhân dân và cách sinh hoạt của cán bộ trước khi đề bạt cán bộ..
Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, (thường là như vậy). Song, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay.
Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực.
Là người cực kỳ tinh tường, sáng suốt trong đánh giá và sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra một số kinh nghiệm nhận biết cán bộ tốt và không tốt.
Người chỉ rõ: Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt.
Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ tốt còn là những người có những phẩm chất sau:
- Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
- Những người liên lạc mật thiết với nhân dân, hiểu biết nhân dân. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của nhân dân. Như thế, thì nhân dân mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.
- Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn.
Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo.
Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn.
- Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Đó là những khuôn khổ để đánh giá, lựa chọn cán bộ, chúng ta phải theo cho đúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ Đảng ta, những người có thầm quyền, trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ cần thường xuyên xem xét, đánh giá cán bộ. Kinh nghiệm cho ta biết: Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người thoái hoá, biến chất cũng lòi ra.
- Một số phương pháp cụ thể trong đánh giá cán bộ.
Đánh giá cán bộ không chỉ căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ của cán bộ, mà cần có đánh giá qua trực tiếp quan sát, trao đổi, làm việc với cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí đã chỉ ra một số cách hiểu biết cán bộ. Thí dụ: bàn lẽ phải trái để xem trí tuệ, khả năng biết người biết việc của cán bộ. Biện luận với họ để xem họ biến hoá thế nào? Hỏi họ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và các mưu kế công tác để xem hiểu biết của họ? Hỏi đến sự hy sinh xem họ có dũng cảm không ? Thậm chí cho họ uống rượu để xem tính khí của họ. Cho họ lợi lộc để xét lòng trung thành, v,v.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên nên đánh giá cán bộ qua quan sát cách họ đối xử với bản thân, đối với người khác và đối với công việc. Cán bộ tốt là những người:
Đối với bản thân:. Có tính cần kiệm. Nghĩa là luôn hết lòng, hết sức, bền bỉ dẻo dai trong công việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Đồng thời, không sa hoa, lãng phí, biết chi tiêu, sử dụng tiền của, thời gian, nhân tài, một cách hiệu quả nhất.
Không sợ mắc khuyết điểm, không che dấu khuyết điểm, có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Đã nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Không ngại hy sinh, gian khổ. Ít lòng tham muốn về vật chất. Cho nên, giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục.
Đối với người khác. Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể, với Đảng thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Cương nhưng không thể gãy, nhu nhưng không thể uốn cong. Tiến lui đúng lúc.
Hay xem xét người. Biết mình biết người. Biết vì Đảng vì dân tiến cử, cất nhắc người tốt. Tránh người xấu, đề phòng người gian. Không nịnh hót trên. Không xem khinh người dưới. Chân thành, khiêm tốn và thật thà đoàn kết với những người khác.
Đối với công việc. Có tinh thần “Phụng công thủ pháp, Chí công vô tư”. Khi làm việc biết điều tra, nghiên cứu hoàn cảnh kỹ càng. Dám nghĩ, dám nói, dám làm cái đúng, cái mới vì nước, vì dân, vì tiến bộ xã hội. Quyết đoán. Thạo về chính trị, giỏi về chuyên môn. Được vinh không mừng thái quá, bị nhục không sợ. Thấy lợi không tham, thấy sắc không mộ. Dũng cảm. Phục tùng kỷ luật của Đảng. Không tự đặt mình cao hơn tổ chức; không đứng ngoài kỷ luật, v.v.
4- Những phẩm chất cần thiết của người đánh giá đúng cán bộ
Việc đánh giá cán bộ chính xác hay không? Có đánh giá đúng cái tâm, cái tầm của cán bộ hay không còn tuỳ thuộc vào cái tâm, cái tầm của người đứng đầu, người làm công tác tổ chức cán bộ. Nói về những đức tính cần thiết của người lãnh đạo một cách ngắn gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh những đức tính: Nhân, Nghĩa, Trí , Dũng, Liêm, Trung, Tín, v,v. Có những đức tính đó, thì tất giỏi phát hiện và trọng dụng nhân tài. Trong các đức tính ấy, có 2 đức tính trực tiếp liên quan tới việc đánh giá đúng cán bộ.
Một là Trí: Nghĩa là sáng suốt, biết địch biết mình, biết người tốt thì nâng đỡ, biết người xấu thì không dùng, biết cái tốt của mình mà phát triển lên, biết cái xấu của mình để tránh.
“Trí vì không có ciệc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian”9.
Hai là Liêm: Trong sạch, không tham lam. Không tham tiền tài, địa vị, không tham sắc. Không ham người tâng bốc mình, v,v, do đó có thể chí công vô tư trong đánh giá cán bộ. Ngược lại, Chính vì bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí mà việc đánh giá cán bộ mất chính xác, dẫn đến bố trí, đề bạt cán bộ có nhiều sai phạm.
Để đánh giá đúng cán bộ. Hồ Chí Minh còn chỉ ra những phẩm chất cần có của người đứng đầu và người làm công tác tổ chức, cán bộ. Đó là:
- Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đánh giá cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ tốt khỏi bị bỏ rơi.
- Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi, đánh giá đúng những người mình không ưa.
- Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà đánh giá sai cán bộ tốt.
Có những phẩm chất nói trên và đánh giá cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí minh, thì nhất định Đảng , Nhà nước ta sẽ có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ công chức ngang tầm yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng.
5- Thực hiện tốt việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ trong tình hình hiện nay.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác đánh giá cán bộ sẽ tạo thêm sức mạnh nhận thức và quyết tâm trong việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ nói riêng cũng như trong việc đổi mới toàn bộ công tác cán bộ nói chung, góp phần sớm đưa Nghị quyết Trung ương 4 nói riêng cũng như các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
Trước hết để đổi mới công tác đánh giá cán bộ, cần xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và trong quy hoạch, luân chuyển cán bộ.
Thứ hai là: Tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Coi trọng đánh giá của cấp trưởng đối với cấp phó; đánh giá của người đứng đầu tổ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Thứ ba là: Quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân cùng cấp; cấp dưới góp ý, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trên.
Thứ tư là: Công khai lĩnh vực công tác, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát, góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm và thông qua đó để xem xét, đánh giá cán bộ.
Thứ năm là: Đánh giá, lựa chọn cán bộ thông qua cơ chế thi tuyển, sát hạch hằng năm đối với cán bộ từ cấp cục, vụ và tương đương trở xuống theo phương châm làm cái gì thi cái đó; xây dựng phương thức đánh giá cán bộ trong mối quan hệ biện chứng giữa kết quả thi, sát hạch và năng lực, thành tích công tác, uy tín, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Với 5 giải pháp cơ bản nói trên, Đảng ta chủ trương: “Gắn đánh giá cán bộ theo định kỳ với kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và trong quy hoạch, luân chuyển cán bộ”10.
Khắc phục những yếu kém, đánh giá đúng cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta là một khâu mấu chốt trong việc thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 4. Trong đó, một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách là đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ.
Đánh giá đúng cán bộ là điều kiện tiên quyết để bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ và hiện tượng cục bộ, trì trệ, quan liêu, tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thực hiện tốt đổi mới công tác đánh giá cán bộ góp một
phần quyết định việc xây dựng thành công một đội ngũ cán bộ lãnh
đạo, quản lý các cấp, các ngành đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đủ
đức, đủ tài, đồng bộ về cơ cấu, có tầm nhìn chiến lược cho cả trước
mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong thời
kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc
tế./.
CHÚ THÍCH:
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khoá XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 22.
2 Báo Nhân dân, Thứ ba, ngày 21 tháng 8 năm 2012.
3 Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 317.
4 Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 317.
5 Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 319.
6 Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 317.
7 Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 317.
8 Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 318.
9 Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 5, S.đ.d, tr 292.
10 Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngày 25/6/2012. http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=279&leader_topic=692&id=BT2661237639.
(PGS,TS Nguyễn Thế Thắng)
Tin tức liên quan
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách lãnh đạo quản lý
- Các học thuyết lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp (P1)
- Các học thuyết lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp (P2)
- Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 5: Thay đổi tư duy tận gốc
- Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 4: Phải chấm dứt cơ chế xin - cho
- Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 2: Nhiều tiến sĩ, ít phát minh
- Vật vờ nghiên cứu khoa học- Kỳ 3: Quá nhiều trói buộc
- Làm khoa học cũng phải nói dối
- Vật vờ nghiên cứu khoa học
- Định luật Moore và chiến lược quản trị theo thời gian
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều
- Thăm dò ý kiến
- Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
- Các trang tìm kiếm trên internet
- Được người khác giới thiệu
- Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
- Thông tin trên Brochure, namme card
- Từ nguồn thông tin khác
- Xem kết quả