Tiền lương không còn là động lực với cán bộ công chức?
(Cập nhật: 1/25/2017 3:47:33 PM)
Theo đánh giá của các chuyên gia và đại diện tham dự Hội thảo quốc tế về xây dựng thang bảng lương và thực hiện cơ chế trả lương theo vị trí làm việc gắn với hiệu quả công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thì chế độ tiền lương hiện hành còn gặp nhiều bất cập và hạn chế. Tiền lương bình quân của các cán bộ, công chức thấp hơn bình quân tiền lương của người lao động ở các khu vực sản xuất, kinh doanh. Điều này không phù hợp với giá trị sức lao động của cán bộ, công chức, bên cạnh đó chế độ đãi ngộ cũng còn ở mức quá thấp.
Ngày 21/11/2016, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng thang bảng lương và thực hiện cơ chế trả lương theo vị trí việc làm.
Vụ trưởng Vụ Tiền lương Nguyễn Quang Dũng và Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Lưu Trung đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; các chuyên gia, nhà khoa học về quản trị công của quốc tế và Việt Nam.
Xuất phát từ chính sách tiền lương là một chính sách quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của người hưởng lương mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đến các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, quan hệ giữa các ngành nghề, các khu vực, là động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác, liên quan trực tiếp đến ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, cải cách chính sách tiền lương là một trong những trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và cũng là một nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Tiếp theo thành công của Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” ngày 12/10/2016, Hội thảo lần này được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng thang bảng lương và thực hiện cơ chế trả lương theo vị trí việc làm gắn với hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức với mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới để có những góc nhìn khác nhau về xây dựng chính sách tiền lương. Từ đó sẽ xây dựng và hoàn thiện chính sách tiền lương trình các cấp có thẩm quyền trên khía cạnh nhìn từ kinh nghiệm quốc tế của một số nước trên thế giới.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày tham luận liên quan đến các vấn đề: Tổng quát hệ thống chính sách tiền lương của Việt Nam; Phương pháp xác định thang bảng lương; Trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức dưới góc nhìn hệ thống lương 3P hay 3 biến cơ bản: (1) Position (công việc/vị trí, thể hiện qua chức danh), (2) Person (con người, thể hiện qua năng lực cá nhân) và (3) Performance (thành tích/kết quả công việc cá nhân và tổ chức); Xác định hệ thống lương theo vị trí việc làm của Cộng hòa Pháp; Thiết lập hệ thống trả lương của Ngân hàng Thế giới (WB) và Mức lương công chức Nhật Bản.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi đã nêu ra những bất cập, hạn chế lớn của chế độ tiền lương hiện hành của Việt Nam, như:
Tiền lương bình quân của cán bộ, công chức thấp hơn tiền lương bình quân của người lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh hưởng lương nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng, không phù hợp với giá trị sức lao động của cán bộ, công chức, nhưng rất nhiều người lao động vẫn mong muốn được vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước.
Tiền lương không còn là động lực, hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; không gắn bao nhiêu với cải cách hành chính. Tuy vậy, hằng năm ngân sách nhà nước bố trí hàng chục ngàn tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không được nâng cao, thậm chí giảm sút; bộ máy vẫn trì trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.
Tiền lương và các chế độ đãi ngộ quá thấp đối với khoảng 30% đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, làm việc tận tâm, có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả, đảm nhận phần lớn khối lượng công việc trong các cơ quan Đảng, nhà nước và các đoàn thể, nhưng lại quá cao đối với khoảng 30% số cán bộ, công chức dù có đủ bằng cấp nhưng không đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của công việc, chức vụ cùng với tinh thần, thái độ, trách nhiệm làm việc còn nhiều hạn chế mà 23 năm qua vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm, có hiệu quả.
Thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành, nghề, cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức vụ, vị trí công tác, ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Thu nhập từ nhà, đất được mua, cấp theo giá thấp vẫn diễn ra; nhiều hình thức bao cấp trá hình phát triển. Một bộ phận cán bộ, công chức trở nên giàu có từ vị trí công tác của mình và từ nguồn thu nhập không minh bạch nên không quan tâm nhiều đến tiền lương.
Nhà nước không quản lý và kiểm soát chặt chẽ được số lượng đối tượng, tiền lương, tổng quỹ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trình bày quan điểm về cải cách chính sách tiền lương, ông Đặng Như Lợi cho rằng trước tiên Nhà nước chỉ quy định, quản lý tiền lương đối với đối tượng : cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước hay tất cả mọi đối tượng làm công hưởng lương; có tách tiền lương của cán bộ, công chức với tiền lương của viên chức, xác định mức chênh lệch tiền lương giữa cán bộ, công chức với viên chức và lực lượng vũ trang, tính đồng bộ giữa cải cách tiền lương với lương hưu trí...
Tại Hội thảo, ông Soren Davidsen, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới phân tích việc thiết lập hệ thống trả lương trên cơ sở giải quyết câu hỏi hệ thống lương có ích gì và hệ thống lương hoạt động ra sao. Theo ông Soren Davidsen, việc trả lương phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá và phân loại được công việc; đồng thời phải có những nghiên cứu so sánh để xem lương khu vực công có thỏa đáng, có bị thua kém so với khu vực tư hay không.
chia sẻ về việc xác định hệ thống thang lương theo vị trí việc làm của Pháp
Chia sẻ về việc xác định hệ thống thang lương theo vị trí việc làm, ông Franck Lefebvre, chuyên gia Trung tâm Công vụ địa phương Cộng hòa Pháp cho biết, trên yêu cầu triển khai các chính sách công ở địa phương của Pháp, cơ cấu tổ chức bộ máy được xây dựng cùng với việc xác định nhu cầu nhân sự để triển khai. Ở tất cả các vị trí nhân sự đều có phiếu mô tả vị trí việc làm, hoạt động trong 8 lĩnh vực: hành chính, kỹ thuật, văn hóa, thể thao, y tế và xã hội, hoạt náo sự kiện, cảnh sát địa phương và lính cứu hỏa; được phân thành 03 loại A, B, C, đồng thời có sự tách biệt giữa ngạch, bậc và việc làm. Công chức được bổ nhiệm vào ngạch và được phân bổ một việc làm, có thể thay đổi ngạch mà không thay đổi việc làm; chính quyền có thể phân công việc mới mà không thay đổi ngạch.
Trong ngạch phân thành các bậc. Bậc quyết định mức lương chính. Gắn với mỗi bậc lương là một Chỉ số phân loại xác định vị trí của nhân viên trên thang bậc lương (ví dụ bậc 1). Gắn với mỗi chỉ số phân loại là một Chỉ số tăng thêm dùng để tính lương. Lương hàng năm được tính bằng Chỉ số tăng thêm nhân với giá trị của lương (từ 1/7/2016 là 5623,23 euro) và chia cho 100. Ví dụ Chỉ số tăng thêm là 220 tương đương tổng lương mỗi năm là 12.371,106 euro theo kết quả phép tính 220 x 5623,23/100.
Bên cạnh lương, công chức còn được nhận thêm trợ cấp khu vực, trợ cấp cho gia đình có con, thưởng và phụ cấp. Công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì mất quyền hưởng lương. Theo quy định chỉ trả lương sau khi hoàn thành công việc. Từ 01/1/2017 sẽ áp dụng chế độ phụ cấp theo nhiệm vụ, độ bó buộc, trình độ chuyên môn và mức độ cam kết nghề nghiệp. Tuy nhiên, lương trung bình của công chức Pháp, tính cả thưởng vẫn thấp hơn lương trung trình của khu vực tư nhân. Lương hệ thống công vụ địa phương thường là thấp nhất trong số 3 hệ thống công vụ (Nhà nước, Bệnh viện, Địa phương). Khoảng cách lương giữa nam và nữ còn chênh lệch gây thiệt thòi cho nữ.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ thiết thực của các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế, làm cơ sở để Bộ Nội vụ nghiên cứu, đưa ra được các đề xuất, các định hướng để cải cách chính sách tiền lương giai đoạn tới.
(BNV)
Tin tức liên quan
- Đôn đốc doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi bảng lương
- Công đoàn tham gia xây dựng thang, bảng lương tại doanh nghiệp
- Công chức kêu lương thấp - Vì sao?
- Nghịch lý lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước thấp hơn kế toán
- Đối thoại Lao động Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 14
- Tăng mức đóng BHXH: 371.000 người lao động có nguy cơ mất việc?
- Tăng lương tối thiểu vùng cao có khiến người lao động mất việc làm?
- Bộ Lao động Thương binh & Xã hội yêu cầu báo cáo tình hình xây dựng thang bảng lương theo quy định tại Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTB&XH
- Đãi cát thế nào để tìm vàng?
- Luật An toàn, Vệ sinh lao động chính thức có hiệu lực từ 1/7/2016
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều
- Thăm dò ý kiến
- Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
- Các trang tìm kiếm trên internet
- Được người khác giới thiệu
- Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
- Thông tin trên Brochure, namme card
- Từ nguồn thông tin khác
- Xem kết quả