Peter Drucker – Người tôn vinh nghề quản trị
(Cập nhật: 3/15/2013 2:51:23 PM)
Peter Drucker được xem là nhà tư tưởng lớn về quản trị và kinh doanh của thế kỷ 20. Hiếm có vấn đề nào mà giới kinh doanh làm, suy nghĩ, hay đương đầu mà ông chưa bàn đến.
Ông đã sáng chế nhiều thuật ngữ và cổ xúy cho những khái niệm (ví dụ như “quản trị theo mục tiêu”) nay đã đi vào ngôn ngữ hàng ngày của giới kinh doanh. Và nhiều ý tưởng sáng tạo của ông đã thành những phần không thể thiếu của nghề quản trị. Thành công của ông một phần là do ông có biệt tài tiên đoán những xu hướng về sau trở nên phổ biến. Một trong những thành tựu quan trọng nhất của ông có lẽ là tôn vinh vai trò của công tác quản trị và của nhà quản trị bằng cách nhấn mạnh khía cạnh luân lý và tầm quan trọng của nghề và nhà quản trị đối với cả xã hội.
Peter Drucker sinh năm 1909 tại Áo. Thời trai trẻ sống ở Áo và Đức trong thập niên 1920 và 1930 đã có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông. Theo Drucker, chính lối quản trị yếu kém đã góp phần đẩy châu Âu thời trẻ của ông vào tai họa – và ông e ngại rằng phạm vi quản trị yếu kém ngày càng mở rộng do các tổ chức ngày càng trở nên phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau.
Khi Quốc xã lên cầm quyền, Drucker đang làm báo ở Frankfurt. Ông rời Đức sang làm cho một tờ báo khác ở London, rồi sang Mỹ vào năm 1937. Năm 1939, ông viết cuốn sách đầu tiên, “Sự kết thúc của con người kinh tế”, bàn về những cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trong thập niên 1930. Cuốn thứ ba, “Khái niệm Công ty” (1946), là một khảo luận độc đáo về những cơ chế nội bộ phức tạp của hãng General Motors. Từ đó, ông đều đặn viết sách quản trị.
Sự nghiệp về sau của ông chủ yếu tập trung vào học thuật, và đôi khi làm tư vấn. Từ 1942 đến 1949, ông là giáo sư triết và chính trị ở Đại học Bennington. Năm 1950, ông trở thành giáo sư quản trị tại Đại học New York, là người đầu tiên trên thế giới có chức danh đó và cũng là người đầu tiên dạy môn quản trị. Từ 1971, ông dạy tại Đại học Claremont ở California; trường cao học QTKD của Đại học này được mang tên ông.
Thật khó hình dung tư duy quản trị hiện đại sẽ ra sao nếu không có đóng góp của Drucker. Những công trình của ông được ca ngợi về tính toàn diện của chúng. Những tác phẩm chính của ông như “Nghề quản trị” và “Quản trị: Công việc, Trách nhiệm, Tập quán” là bách khoa toàn thư về lý thuyết và thực hành quản trị. Đặc biệt, cuốn “Nghề quản trị” đã khéo léo trình bày những nguyên tắc đầu tiên của quản trị. Có thể cuốn này không chứa đựng nhiều ý tưởng mới, nhưng hiếm có cuốn nào hữu dụng hơn về quản trị căn bản.
Nhưng Drucker cũng thường khai phá lĩnh vực mới. “Quản trị vì kết quả” là cuốn sách đầu tiên bàn về chiến lược. “Nhà quản trị hữu hiệu” là cuốn đầu tiên và đến nay vẫn là cuốn duy nhất bàn về hành vi cần có để là nhà quản trị. Drucker luôn đi trước thời đại. Ví dụ, ông đã nghiên cứu về những ý nghĩa của tri thức như một quyền lực và việc sở hữu tri thức 30 năm trước khi lĩnh vực này thành thời thượng.
ĐÓNG GÓP CHO HỌC THUẬT
Tầm quan trọng của quản trị
Quản trị là môn học vượt thời gian và nhân bản – nhân bản vì chính con người làm quản trị. Mọi thành tựu của quản trị là thành tựu của nhà quản trị. Mọi thất bại của quản trị là thất bại của nhà quản trị. Tầm nhìn, sự tận tâm, và tính chính trực của nhà quản trị sẽ quyết định quản trị đúng hay quản trị sai.
Vai trò của khách hàng
Theo Drucker, chỉ có một định nghĩa đúng về mục đích kinh doanh: tạo ra khách hàng. Thị trường không phải do Thượng đế, thiên nhiên, hay các động lực kinh tế tạo ra, mà do chính các doanh nhân hình thành. Doanh nhân giúp khách hàng thỏa mãn sự ham muốn của mình; và có thể khách hàng đã có ham muốn trước khi được cấp phương tiện để thỏa mãn. Nhưng trước đó, nó mới chỉ là sự ham muốn trên lý thuyết; chỉ khi các doanh nhân có hành động để biến sự ham muốn đó thành một nhu cầu thực thụ thì mới có khách hàng và thị trường.
Quản trị tri thức
Từ lâu, Drucker đã bàn về những thay đổi sẽ diễn ra khi xã hội bước vào giai đoạn hậu công nghiệp, và đặc biệt là về mối quan hệ khác biệt sẽ có giữa doanh nghiệp và những nhân viên với tài sản chính là vốn kiến thức họ mang đến cho ông chủ. Trong cuốn “Quản trị cho Tương lai”, ông viết: ‘Từ nay, chìa khóa sẽ là tri thức. Thế giới sẽ không sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu hay năng lượng, mà sử dụng nhiều tri thức’.
Bản chất của các tổ chức
Bản thân các tổ chức không phải là mục đích, mà là phương tiện để đạt được mục đích về các kết quả kinh doanh. Cơ cấu của tổ chức là một phương tiện không thể thiếu để đạt mục đích này, và cơ cấu sai sẽ gây tác hại nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh và thậm chí có thể triệt tiêu nó. Vì thế câu hỏi đầu tiên đặt ra khi bàn về cơ cấu tổ chức phải là: chúng ta làm gì, và nên như thế nào? Cơ cấu tổ chức phải được thiết kế sao cho có thể đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp trong 5, 10, 15 năm tới.
Những điều căn bản của vai trò quản trị
Vai trò của nhà quản trị là định ra các mục tiêu; tổ chức; động viên khuyến khích và truyền đạt thông tin; đo lường; và phát triển con người. Đóng góp duy nhất mà nhà quản trị cần có là giúp người khác có tầm nhìn và khả năng làm việc tốt. Chính tầm nhìn và trách nhiệm luân lý là những yếu tố xác định rõ nhà quản trị.
Theo Drucker, phải thực hành 5 nguyên tắc sau để đảm bảo đúng tinh thần xuyên suốt trong tổ chức quản trị.
- Phải có yêu cầu cao về kết quả công việc; không chấp nhận kết quả kém hay tầm thường; và những chế độ tưởng thưởng phải dựa vào kết quả công việc.
- Mỗi công việc quản trị tự thân nó phải là một phần thưởng, chứ không phải là một bậc trong cái thang thăng tiến.
- Cần phải có một hệ thống đề bạt thăng chức hợp lý và công minh.
- Ban giám đốc cần có một điều lệ nêu rõ ai có quyền ra những quyết định mang tính sống còn ảnh hưởng đến một nhà quản trị; và nên có cơ chế để một nhà quản trị có thể kháng cáo lên một cấp quyết định cao hơn.
- Khi ra quyết định bổ nhiệm, ban giám đốc phải cho thấy rằng mình công nhận tính chính trực là yêu cầu tuyệt đối duy nhất của một nhà quản trị, phẩm chất duy nhất mà người đó phải có sẵn chứ không thể kỳ vọng là sau này mới có.
Quản trị theo mục tiêu (MBO)
Nguyên tắc cơ bản của MBO là công việc của nhà quản trị nên dựa trên một nhiệm vụ cần thực hiện để đạt được các mục tiêu của công ty. Nhà quản trị nên được chỉ đạo và kiểm soát bằng các mục tiêu của hoạt động kinh doanh, chứ không phải bằng cấp trên của mình.
Vai trò rộng hơn cho những nhà quản trị
Drucker nêu ra 7 nhiệm vụ mới cho những nhà quản trị của tương lai:
- Quản trị theo mục tiêu;
- Chấp nhận nhiều rủi ro hơn và trong thời gian dài hơn trước mắt;
- Ra những quyết định mang tính chiến lược;
- Xây dựng một tập thể hòa hợp, trong đó mỗi thành viên có khả năng quản lý và đo lường kết quả của chính mình so với những mục tiêu chung;
- Truyền đạt thông tin nhanh và rõ ràng;
- Xem doanh nghiệp là một tổng thể và hợp nhất chức năng của mình với tổng thể đó.
- Hiểu rõ nhiều sản phẩm và nhiều ngành.
Tin tức liên quan
- Phép dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Chiêu hiền đãi sĩ
- VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách lãnh đạo quản lý
- Các học thuyết lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp (P1)
- Các học thuyết lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp (P2)
- Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 5: Thay đổi tư duy tận gốc
- Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 4: Phải chấm dứt cơ chế xin - cho
- Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 2: Nhiều tiến sĩ, ít phát minh
- Vật vờ nghiên cứu khoa học- Kỳ 3: Quá nhiều trói buộc
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều
- Thăm dò ý kiến
- Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
- Các trang tìm kiếm trên internet
- Được người khác giới thiệu
- Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
- Thông tin trên Brochure, namme card
- Từ nguồn thông tin khác
- Xem kết quả