Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người có tầm nhìn chiến lược về khoa học - công nghệ
(Cập nhật: 10/24/2013 3:45:32 PM)
Hơn 30 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những đề xuất mang tầm chiến lược, đặt nền tảng cho khoa học công nghệ (KH-CN) nước nhà. Theo Đại tướng, một đất nước giàu, mạnh phải nhờ vào KH-CN.
Mặc dù đã biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua hai cuộc kháng chiến lẫy lừng, nhưng lần đầu tiên gặp tướng Giáp, ông Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN vô cùng tò mò không biết Đại tướng phát huy khả năng như thế nào trong thời bình.
Ông Đặng Hữu nhớ lại: “Năm 1977, khi ấy tôi làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, gặp ông trong cuộc họp Bộ Chính trị về Tây nguyên. Ấn tượng ban đầu, Đại tướng có một tư duy sáng, nắm bắt vấn đề rất nhanh. Khi nghe các nhà khoa học báo cáo, mỗi năm đất Tây nguyên xói mòn 2-3 cm vì trồng sắn, ông lo lắng cho đời sống nhân dân và sự phát triển của đất nước. Ông trăn trở làm sao để giúp Tây nguyên phát triển bền vững về môi trường, sinh thái. Nếu không đưa ra giải pháp, vùng đất này sẽ không còn nước ngầm và dẫn tới sa mạc hóa. Sáng kiến về chương trình Tây nguyên được ông đưa ra và được Bộ Chính trị đồng tình triển khai”.
|
Sau này khi về làm Bộ trưởng Bộ KH-CN, ông Đặng Hữu có nhiều dịp gần gũi với Đại tướng. Càng làm việc với Đại tướng, vị lãnh đạo ngành KH-CN càng mến mộ tài trí uyên bác, thông thái của ông.
Đầu những năm 1980, Đại tướng bắt đầu nghĩ đến việc phải lo cho chính sách khoa học. Lúc đó, KH-CN nước ta phát triển tự phát, tản mát. Ông nhắc đi, nhắc lại nhiều lần không nên để khoa học phân tán, ai muốn nghiên cứu thì nghiên cứu, ai muốn làm gì thì làm, cần có một chính sách cho KH-CN. Đây là vấn đề lớn được Đại tướng chuẩn bị soạn thảo đưa ra chính sách cho KH-CN của Việt Nam. Trọng tâm của chương trình làm thế nào để khoa học phục vụ đắc lực cho nền kinh tế, xã hội của đất nước. Càng khó khăn càng phải tìm đến khoa học. Chỉ có khoa học mới giải quyết vấn đề. Cùng với sự góp sức của các nhà khoa học, năm 1981, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về KH-CN đã ra đời.
Ý tưởng xây dựng khu công nghệ cao có từ hơn 30 năm trước
Với tính cách của nhà quân sự, trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách KH-CN, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn chỉ đạo công việc kiên quyết và đi đến cùng. Không những vậy, ông còn thể hiện một tầm nhìn chiến lược về công nghệ cao với nhiều ý tưởng đến bây giờ vẫn mang tính thời sự.
Theo ông Đặng Hữu, nói chuyện với anh em làm khoa học, Đại tướng thường căn dặn: “Trong quân sự đã đánh phải thắng. Muốn thắng địch, phải hiểu kỹ đối phương. Trong khoa học cũng vậy, làm việc gì cũng phải nghiên cứu chín chắn. Sở dĩ ta chưa làm tốt vì chưa phát huy hết khả năng. Phải xem KH-CN là một trận chiến, chúng ta mới đuổi kịp được các nước. Cái gì người nước ngoài làm được, ta cũng làm được”.
|
Bên cạnh các ý kiến chương trình Tây nguyên, ĐBSCL, miền núi, biển, Đại tướng còn đề xuất tập trung phát triển công nghệ cao.
“Tôi đã đi cùng Đại tướng nhiều chuyến ra nước ngoài. Tôi ấn tượng nhất khi tới Ấn Độ, ông nói rất muốn đưa mô hình khu phát triển công nghệ cao của thành phố Bangalore về áp dụng tại Việt Nam. Ông còn bảo tôi, phải chủ động, hỏi cặn kẽ”, ông Đặng Hữu chia sẻ.
Về Việt Nam, Đại tướng trăn trở đề xuất ý tưởng xây dựng khu công nghệ cao tại Hà Nội. Ban đầu, địa điểm được lựa chọn là khu Bách Khoa nối sang khu ĐH Thủy lợi xuống ĐH Tổng hợp (cũ), nay là ĐH KHXH-NV và ĐH KHTN Hà Nội, tạo thành một vùng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên có sự thay đổi về địa điểm chuyển trung tâm KH-CN về khu Nghĩa Đô. Tiếc rằng, khi ông không còn ở trên cương vị lãnh đạo, việc triển khai vô cùng khó khăn. Mãi về gần đây, khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc được xây dựng dựa trên ý tưởng của ông.
Đi đôi với phát triển công nghệ cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn chú trọng phát triển công nghệ mới. Trong đó, phát triển công nghệ viễn thám và tiếp cận công nghệ vũ trụ…
“Những năm cuối đời, Đại tướng vẫn trăn trở, lo lắng, hiến kế những chủ trương, chính sách KH-CN, giáo dục cho Đảng, Chính phủ. Các dự án công nghệ nước ngoài vào Việt Nam không hiệu quả; giáo dục sa sút, chậm đổi mới, hiện tượng tham nhũng… ông đều góp ý đề nghị làm rõ. Ông Giáp là một con người toàn diện, kiệt xuất chỉ sau Bác Hồ. Sự ra đi của ông là một tổn thất lớn, những từ ngữ mà báo chí trong và ngoài nước ca ngợi chưa kể hết được công lao của ông. Với riêng tôi, Đại tướng mãi là người anh, một bậc thầy trong lĩnh vực KH-CN”, ông Đặng Hữu xúc động nói.
(Thu Hằng - TNO)
Tin tức liên quan
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tư duy quản trị
- Doanh nhân học gì từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
- "Sếp" có phải là giáo sư biết tuốt
- Có dám dùng người giỏi hơn mình
- Lãnh đạo doanh nghiệp, có sáng tạo mới vươn xa
- Nhận biết thủ thuật bán hàng đa cấp
- Thương hiệu Việt: Của vô chủ, ai nhanh tay thì được?
- Vì sao công ty lớn cũng không giữ được nhân tài?
- Mùa săn nhân sự cấp cao
- 72% doanh nghiệp tin tưởng làm việc linh hoạt giúp nâng cao năng suất
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều
- Thăm dò ý kiến
- Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
- Các trang tìm kiếm trên internet
- Được người khác giới thiệu
- Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
- Thông tin trên Brochure, namme card
- Từ nguồn thông tin khác
- Xem kết quả