Nước mắt và nụ cười trong kỳ phát lương “vô tiền khoáng hậu”
(Cập nhật: 3/28/2017 2:45:52 PM)
Sau 5 năm kiên trì đeo bám, chạy ngược chạy xuôi theo đuổi vụ kiện doanh nghiệp FDI nợ lương công nhân rồi “biến mất”, vừa qua, LĐLĐ huyện Củ Chi (TPHCM) đã thắng kiện, đòi lại được hơn 4 tỉ đồng tiền lương cho 677 anh chị em. Trong buổi phát lương, những nụ cười, và nhiều nước mắt của CN đã rơi, vì thông cảm, chia sẻ với hoàn cảnh của nhau. Có thể coi đây là kỳ phát lương “không tiền khoáng hậu”, một sự kiện đặc biệt trong lịch sử hoạt động của tổ chức công đoàn.
Món quà nữ công nhân để lại cho con
Ngày 23.3, 220/677 CN từng làm việc tại Cty Sae Hwa Vina (ấp 12, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM) đến trụ sở LĐLĐ huyện Củ Chi để nhận tiền lương sau 5 năm chờ đợi. Đây là đợt phát lương (truy lĩnh) đầu tiên, sau còn 2 đợt nữa.
Vì đường xa, anh Phạm Minh Phụng, quê Bình Định phải lên đường đi nhận lương từ trước đó một ngày. Mệt mỏi sau một chặng đường dài, anh gục mặt trên bàn, thiếp đi. Khi cán bộ LĐLĐ huyện Củ Chi gọi “ai ở quê xa, ưu tiên lên giải quyết trước”, anh giật mình, lập cập lôi mớ giấy tờ trong túi áo ra, tiến lên trình bày: “Vợ em làm ở công ty Sae Hwa Vina nhưng mất rồi, em có mang giấy chứng tử, chứng minh nhân dân, thẻ nhân viên của vợ em vào đây. Em có được nhận thay vợ không?”
Vợ anh có tên trong đợt phát tiền lương đợt 1 này, trên chiếc thẻ nhân viên mang tên Trần Thị Hoa đã bạc màu vẫn còn rõ dòng chữ “Ngày vào làm việc 17.3.2010”. Sắp xếp lại các giấy tờ, anh Phụng nói chuyện vẻ khó nhọc. Vợ anh sinh năm 1988, anh hơn vợ 1 tuổi. Hai vợ chồng gặp, yêu, cưới nhau và có đứa con đầu ở Sài Gòn này. Cuối năm 2013, Cty Sae Hwa Vina chính thức ngừng hoạt động, nợ lương của 677 CN, trong đó có vợ anh. Anh kể: “Em động viên vợ rằng không sao vì “vẫn còn anh đây”. Sau chị đi tìm việc làm mới nhưng không ổn, đến đầu năm 2016, chị Hoa sinh đứa con thứ hai. Sinh con được 11 ngày thì chị mất. Theo lời anh, chị mất vì thời tiết ở quê lạnh quá, chị yếu nên tràn dịch phổi. Khi đó, chị Hoa mới 28 tuổi. Rất trẻ. Rất đẹp. Hết mực thương con, thương chồng!
Gạt nước mắt, gửi hai con cho bà nội, một mình anh tiếp tục vào Nam tìm việc, kiếm tiền nuôi con. Tưởng nỗi đau phần nào nguôi ngoai, cuộc đời bớt chông gai, nhưng “họa vô đơn chí”, sau nỗi đau quá lớn thì tai họa lại ập đến. Anh bị tai nạn giao thông khiến xương hàm, xương má bị vỡ, đầu tụ máu bầm phải mở hộp sọ. Anh kể: “Mùng 8 Tết, em trở lại Sài Gòn đi làm nhưng không mua được vé xe, mấy anh em rủ nhau đi xe máy. Em bị người ta tông ở Phú Yên. Em nghỉ làm từ đó đến nay. Mổ xẻ tùm lum nên em nói hơi khó nghe vì mở miệng không được”.
Tuần trước, đồng nghiệp của vợ gọi điện cho anh thông báo: “Công đoàn đã thắng kiện, thông báo toàn thể CN đến nhận lương”. Nhớ lại lúc nghe cuộc điện thoại, anh run run, ứa nước mắt: “Khi Cty đóng cửa, vợ em bị nợ gần 4 triệu đồng tiền lương. Em cứ nghĩ mất rồi, nay được nhận lại”.
Anh bảo, 4 triệu này to lắm, có ý nghĩa với cuộc đời của con gái anh. Số là, con gái thứ hai của anh chị sống cảnh thiếu mẹ thiếu cha khi vừa lọt lòng 11 ngày nay lại bị rút cơ chân khiến chân dài chân ngắn. Anh đang định vay tiền để đưa con đi Sài Gòn chữa trị nhưng chưa được vì số tiền vay lúc anh bị tai nạn còn chưa trả hết. Nay, tiền lương và tiền lãi LĐLĐ huyện Củ Chi trả cho vợ anh được 4,3 triệu đồng, anh bảo “Dù có bóp mồm bóp miệng, đói cỡ nào em cũng không đụng đến bởi đây là món quà cuối cùng mà vợ em dành cho con em, là hy vọng của con em. Tháng 4 tới em vào Sài Gòn đi làm lại, đưa con đi khám, sửa chân cho con. Vợ em chắc sẽ được an ủi phần nào vì cô ấy đã mất rồi vẫn còn lo được cho con”.
Với anh Phụng, tiền lương của vợ chính là hy vọng cho đôi chân của con gái anh. Ảnh: L.T |
Đời vui khi có... cán bộ công đoàn
“Tên em nằm ở danh sách 220 CN nhận tiền lương đợt đầu, chồng em và các đồng nghiệp nhận ở hai đợt sau. Ngày Cty đóng cửa, con em chưa được một tuổi, hai vợ chồng đều là CN lâu năm ở đây, tưởng mọi thứ ổn định thì bỗng chốc trắng tay. Bi thảm vô cùng! Vợ chồng em nghĩ mọi thứ mất hết rồi nhưng nay lại được thông báo nhận lại tiền lương mà còn tính cả lãi suất. Người ta bảo “của đổ hốt lại”, còn được chút ít là may, nhưng nay mình được cả, lại còn hơn thì còn gì vui bằng. Chồng em cứ vỗ tay cười “may, bên đời còn có cán bộ công đoàn” - Chị Lâm Thị Ngọc Hân, bế đứa con trai thứ hai mới 7 tháng tuổi đến nhận lương, hào hứng chia sẻ. Lần trả lương này, cả hai vợ chồng chị nhận được hơn 10 triệu đồng. Chị bảo, tiền này “tưởng đã mất nhưng nay lại có được nên phải dùng sao cho ý nghĩa. Mà ý nghĩa nhất, chắc là để đóng tiền học cho con”.
Chị Huế, cán bộ LĐLĐ huyện Củ Chi, là người trực tiếp phát tiền lương và hướng dẫn anh chị em công nhân kiểm tra lại tiền xúc động kể: “Sáng nay, có cô bé đến sớm lắm, 7h30 mới bắt đầu chi lương nhưng cô bé có mặt từ 5, 6 giờ sáng. Sau khi Cty đóng cửa, em ấy về quê làm ruộng, phụng dưỡng bố mẹ già. Trước ngày lên nhận lương thì bố mất.
Em bắt chuyến xe sớm nhất, đi từ Sóc Trăng lên đây nhận tiền rồi về chịu tang bố. Nghe em ấy nói, tất cả chúng tôi đều khóc. Nếu em ấy gọi điện trước, LĐLĐ sẽ linh động giải quyết, không để em ấy phải vất vả như vậy. Một số CN đã về quê tận Yên Bái, Cao Bằng, Hà Tĩnh… không vào được nên gửi giấy tờ vào cho người thân nhận giúp, LĐLĐ giải quyết ngay”.
Vì công nhân, việc khó mấy chúng tôi cũng làm
Để có được số tiền gần 4 tỷ đồng chi trả lương cho 677 CN, là một hành trình dài 5 năm mà để vượt qua được cần có sự kiên trì đeo bám, quyết tâm của tổ chức công đoàn, sự ủng hộ của chính quyền địa phương và cả chủ Cty Sae Hwa Vina. Bà Nguyễn Thị Ánh Thu - Nguyên Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, nhớ lại: Ông Kong Wan Sik, Tổng Giám đốc của Cty Sae Hwa Vina là một trong những người đầu tiên về Củ Chi đầu tư. Cty này cũng là đơn vị đầu tiên xây nhà trẻ, nhà lưu trú cho CN. “Ông ấy đối tốt với CN nên anh chị em cũng yêu quý ông ấy. Từ năm 2011, Cty bắt đầu thua lỗ, nợ lương nhưng CN vẫn bám trụ. Rồi mọi thứ lao dốc, đến năm 2013 thì rơi vào tình trạng “vắng chủ”, đóng cửa, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng…” - Bà Thu chia sẻ.
Khi Cty bị các chủ nợ bao vây, nhà xưởng trị giá gần một trăm tỷ đồng đã bị một ngân hàng tới “trấn giữ”, nhiều chủ nợ chực chờ xâu xé tài sản, CN bức bách nên nghĩ quẩn, một số muốn đập phá nhà xưởng hoặc chiếm giữ tài sản để cấn trừ lương. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, một mặt LĐLĐ huyện Củ Chi vận động, thuyết phục CN bình tĩnh, giới thiệu việc làm cho 485 người tới làm việc tại các doanh nghiệp khác trên địa bàn, đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ cho các nữ CN nghỉ thai sản, hỗ trợ CN khó khăn. Mặt khác, LĐLĐ làm đơn khẩn cấp gửi đến các cơ quan chức năng của huyện Củ Chi và thành phố đề nghị hỗ trợ, bảo vệ tài sản Cty.
“Cùng lúc phải làm rất nhiều việc, không việc nào có tiền lệ hoặc pháp luật quy định lại chưa rõ ràng nên chúng tôi vừa làm vừa mò mẫm. Khi ổn định được tình hình, việc đầu tiên mà LĐLĐ huyện Củ Chi làm là hướng dẫn công đoàn cơ sở kiện Cty ra tòa. Thủ tục kiện một doanh nghiệp “vắng chủ” lúc đó rất nhiêu khê vì quy định pháp luật không có. Tuy nhiên, Chủ tịch công đoàn cơ sở là em Nguyễn Thị Cúc vẫn kiên trì đeo bám. Cúc là đầu mối đi thu thập chữ ký CN, lấy thông tin về bảng lương CN. Cán bộ LĐLĐ huyện qua bên LĐLĐ quận 8 học hỏi kinh nghiệm nhưng mọi thứ vẫn không đâu vào đâu cả vì mỗi sự việc, giai đoạn khác nhau… Song song đó, LĐLĐ huyện tìm mọi cách liên lạc, vận động ông Tổng Giám đốc Kong Wan Sik phối hợp giải quyết vụ việc. Cuối cùng ông ấy hợp tác, chấp nhận ra tòa, chấp thuận bán nhà xưởng, chi trả tiền lương cho CN” - Bà Thu nhớ lại.
Là người được LĐLĐ huyện Củ Chi ủy quyền để giải quyết vụ việc tại tòa, ông Nguyễn Thanh Sang - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, xúc động khi nhìn anh chị em CN vui mừng đến nhận tiền lương. Giọng ông bùi ngùi nhưng chắc nịch: “Việc dù khó đến đâu nhưng chỉ cần điều đó mang lại lợi ích chính đáng cho đoàn viên, CN lao động thì anh em chúng tôi sẽ dốc sức làm, kiên trì đeo bám đến cùng”.
(laodong.com.vn)
Tin tức liên quan
- “Sếp” doanh nghiệp nhà nước nhận lương cao nhất bao nhiêu?
- Thông báo về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày 01/01/2017 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh
- Chính sách với người lao động khi chuyển đơn vị sự nghiệp thành Cty cổ phần
- Từ tháng 2/2017: 4 chính sách lao động, tiền lương có hiệu lực
- Thiếu thang bảng lương, chậm đóng BHXH
- Giám sát thực hiện BHXH tại một số DN ở HN: Phải đảm bảo quyền lợi của NLĐ
- Lách luật, nhiều doanh nghiệp đang tồn tại tới 3 loại lương
- Để thoát khỏi khủng hoảng truyền thông, ngành y tế sẽ cởi mở hơn
- Đối thoại chính sách việc làm trong thời gian tới “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động”
- Tiền lương không còn là động lực với cán bộ công chức?
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều
- Thăm dò ý kiến
- Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
- Các trang tìm kiếm trên internet
- Được người khác giới thiệu
- Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
- Thông tin trên Brochure, namme card
- Từ nguồn thông tin khác
- Xem kết quả