BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Muốn cải cách tiền lương - phải tinh giản biên chế

(Cập nhật: 10/18/2017 8:39:58 AM)

Ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, Chính phủ cần chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP, để NLĐ được nâng lương định kỳ, theo năng suất, hiệu quả công việc làm căn cứ đóng BHXH.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi lần trình đề án cải cách tiền lương thì vấn đề quan trọng là nguồn để cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, cải cách tiền lương phải dựa trên tinh thần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế”. 

Phải đảm bảo mức lương tối thiểu

Tham gia Đoàn khảo sát còn có: Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng; đại diện Văn phòng T.Ư Đảng, Ban Tổ chức T.Ư, Văn phòng Quốc hội.

Về phía Tổng LĐLĐVN có các đồng chí: Uỷ viên T.Ư Đảng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường; các Phó Chủ tịch Trần Văn Lý, Trần Văn Thuật, Nguyễn Thị Thu Hồng.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (phải) ngày 17.10. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (phải) ngày 17.10. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách tiền lương, ở nhiều khu vực, tiền lương của cán bộ, công chức viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang, tiền lương của người lao động (NLĐ) khu vực nhà nước, khu vực sản xuất kinh doanh.

Tương tự như vậy, chính sách BHXH cũng liên quan mật thiết đến NLĐ. Tuy nhiên, mỗi lần trình đề án cải cách tiền lương thì vấn đề quan trọng là nguồn để cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, cải cách tiền lương phải dựa trên tinh thần sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết, Tổng LĐLĐVN sẽ trình bày báo cáo phục vụ đoàn khảo sát, trong đó gồm tình hình thực hiện chính sách tiền lương trong hệ thống Công đoàn (CĐ) và tình hình thực hiện chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.

Chủ tịch Bùi Văn Cường nhấn mạnh, tổ chức CĐ khác với tổ chức chính trị xã hội khác, phần tài chính tài sản theo hệ thống dọc. Vì vậy ở một số tỉnh, về nguyên tắc cán bộ phải dưới sự quản lý của Đảng, nhất là việc nghỉ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ở dưới tỉnh thì cho nghỉ nhưng tiền thì CĐ phải chi trả. Trong khi tiền thì CĐ không có nhiều, nhưng cấp uỷ đã quyết thì không thể không cho nghỉ và đây là bất cập của hệ thống CĐ so với các hệ thống khác.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Trần Văn Lý cho biết, toàn hệ thống CĐ có 14.957 CBCCVC và NLĐ, trong đó cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan CĐ từ T.Ư đến cấp trên trực tiếp cơ sở là 7.977 người; viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp CĐ là 634 người; NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp CĐ là 6.346 người. Thu nhập bình quân là 6.822.204 đồng/người/tháng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Trưởng ban Quan hệ lao động Ngọ Duy Hiểu cho biết, theo khảo sát của tổ chức CĐ, hiện nay lương tối thiểu của NLĐ chưa đáp ứng mức sống tối thiểu vì họ phải chi phí nhiều khoản như thuê nhà, tiền ăn học của các con và các chi phí sinh hoạt đắt đỏ khác, do đó cần điều chỉnh lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ. Khi đó, NLĐ mới yên tâm sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, giúp doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, theo khảo sát của Tổng LĐLĐVN thì vẫn còn dư địa để tăng lương tối thiểu vùng.

Về tiền lương tối thiểu, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, vẫn có thể điều chỉnh tăng để mức sống tối thiểu của NLĐ được đảm bảo mà không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Ông Diệp dẫn chứng Cty Pou Yuen 2 năm qua đã tuyển thêm 60.000 lao động và họ thực hiện đầy đủ việc tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ và đóng các khoản bảo hiểm cho NLĐ. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp vẫn có thể tăng lương tối thiểu vùng mà không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tuyển dụng lao động.

Dành 75% kinh phí CĐ cho hoạt động ở cơ sở

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho biết, hệ thống tài chính tài sản của CĐ là không sử dụng ngân sách nhà nước, mà tự thu kinh phí CĐ và đoàn phí để trang trải tổ chức bộ máy và tổ chức các hoạt động.

Về kinh phí CĐ hiện nay, Tổng LĐLĐVN đang áp dụng chi lại 67% cho CĐCS hoạt động, sắp tới tăng lên 75%, chỉ còn lại 25% sẽ cho cấp trên cơ sở, cấp tỉnh, Tổng LĐLĐVN chỉ thu 2% trên tổng 25%. Do đó, Tổng LĐLĐVN dành 98% kinh phí CĐ cho các hoạt động ở cấp cơ sở và cấp trên cơ sở.

“Việc dành phần lớn kinh phí CĐ cho hoạt động cơ sở để đoàn viên, NLĐ được chăm lo tốt hơn, CĐCS tổ chức các hoạt động thiết thực hơn, thu hút sự tham gia của đoàn viên, NLĐ; động viên họ thi đua, hăng say lao động, tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp” - Chủ tịch Bùi Văn Cường khẳng định.

Về việc trả lương cho NLĐ, Chủ tịch Bùi Văn Cường cho hay: “Hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài đang thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, điều này tạo sự công bằng và khuyến khích NLĐ nỗ lực phấn đấu để được hưởng mức lương xứng đáng”. Do đó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng nên trả lương theo vị trí việc làm.

Tại buổi làm việc, phía Tổng LĐLĐVN đã kiến nghị cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Trước mắt cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động. Theo đó khái niệm mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ.

Đồng thời, phải quy định các tiêu chí xác định mức sống tối thiểu, cơ quan có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, bởi mức sống tối thiểu là căn cứ quan trọng để Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu. Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần xác định và công bố lộ trình đến năm 2019 tiền lương tối thiểu của NLĐ phải đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, Chính phủ cần chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP, để NLĐ được nâng lương định kỳ, theo năng suất, hiệu quả công việc làm căn cứ đóng BHXH.

Thực tế hiện nay, tỉ lệ nợ BHXH vẫn còn cao ở các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Đặc biệt, hiện có khoảng 1.400 tỉ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, không thể thu hồi và quyền lợi của hơn 193.000 NLĐ ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết. Công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH của tổ chức CĐ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, do bất cập của pháp luật.

Theo đó, Tổng LĐLĐVN đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần khẩn trương ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH và các Luật chuyên ngành có liên quan như: Luật ATVSLĐ, trong đó có quy định về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Luật Việc làm để có cơ sở đề xuất sửa đổi các quy định về BHTN cho phù hợp; các quy định về cơ chế, chính sách xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết quyền lợi của NLĐ.

Tòa án Nhân dân Tối cao sớm hướng dẫn các cấp Tòa án về giải quyết các vụ kiện liên quan đến BHXH. Các cơ quan có liên quan sớm nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định khởi kiện đòi nợ BHXH.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao báo cáo của Tổng LĐLĐVN về tình hình tiền lương trong hệ thống CĐ, tình hình thực hiện tiền lương, chính sách BHXH và ưu đãi người có công. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, về cải cách tiền lương cần phải hướng tới trả lương theo vị trí việc làm, hạn chế các loại phụ cấp, đặc biệt phải có biện pháp để lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ, vì hiện nay đời sống NLĐ còn nhiều khó khăn. Về phía Tổng LĐLĐVN hiện nay vẫn còn “cào bằng” biên chế: Cán bộ tỉnh ít công nhân cũng có số lượng cán bộ CĐ như các tỉnh đông CNLĐ. Do đó trong thời gian tới cần có biện pháp điều chỉnh. Ngoài ra, tổ chức CĐ không sử dụng ngân sách nhà nước, tự thu để chi vì vậy Tổng LĐLĐVN cần phát triển kinh tế để có thêm nguồn thu. Liên quan vấn đề BHXH, Phó Thủ tướng cho rằng, không nên “hào phóng” trong chi, phải siết chặt chi tiêu, tránh tình trạng lạm dụng gây thất thoát. Các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN ở trung ương và địa phương cần quan tâm, hướng dẫn và giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn triển khai thi hành Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ để doanh nghiệp và NLĐ yên tâm, tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

 

(VIỆT LÂM - HẢI ĐĂNG)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • HR Market Trend In Vietnam 2
    • Để Tối Ưu Hóa Vai Trò của Nhân Sự
    • Vietnam CEO Forum 2018   Chuyên đề 1  Đại cơn sóng công nghệ toàn cầu  Cơ hội & thách thức
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38955
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 8053
  • Liên kết đối tác
    • Cac chuong trinh dao tao
    • Phan mem JED