HỒ CHÍ MINH VỚI VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CẤP CHIẾN LƯỢC
(Cập nhật: 8/13/2013 9:55:44 AM)
Khi tìm được con đường đấu tranh cứu nước đúng đắn từ lý luận của Mác, từ quan điểm về vấn đề dân tộc thuộc địa của Lênin và từ tấm gương của Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Aí Quốc - Hồ Chí Minh đã quyết định đi theo con đường cách mạng của Lênin, của Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (30.12.1920) tại Thành phố Tours (Tua). Đó là sự kiện có tính bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Người đã suy nghĩ về vấn đề tổ chức phong trào cách mnạg và xây dựng Đảng cách mạng ở Việt Nam.
Trước khi rời Paris (Pháp), trong thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[1]
Ngày 14.6.1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp, qua nước Đức và tới Liên Xô ngày 30.6.1923. Tại phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ngày 3.7.1924, Nguyễn Ái Quốc đại biểu của phong trào cách mạng các nước thuộc địa đã có bài phát biểu quan trọng, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì học còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”[2]
Vấn đề tổ chức và cán bộ được Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nhấn mạnh cùng với việc xác định đúng đắn con đường đấu tranh cách mạng.
Tháng 11 năm 1924 từ Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người thành lập Hội Việt nam cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc xúc tiến ngay việc đào tạo, huấn luyện cán bộ. Người mở ngay lớp huấn luyện chọn những người có chí lớn từ Tổ chức Tâm tâm xã để truyền bá lý luận, đường lối chính trị, phương pháp hoạt động cách mạng. Lớp đầu tiên đó gồm các đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Quảng Đạt, Hoàng Văn Ấm, Lưu Quốc Long, Hoàng Huy, Vương Thúc Oánh… Sau lớp đặc biệt này, Nguyễn Ái Quốc đã mở tiếp 5 lớp. Đến tháng 4 năm 1927 trước khi rời Quảng Châu trở lại Matxcơva (Liên Xô), Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp huấn luyện, đòa tạo được 75 cán bộ. Cán bộ theo học các lớp huấn luyện đào tạo đó đã đóng góp xứng đáng vào phát triển các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng tháng 2 năm 1930 và sự lãnh đạo của Đảng sau này với những đồng chí tiêu biểu như Lê Duy Điếm, Trương Văn Lĩnh, hà Huy Tập, Trần Phú, Phan Trọng Bình, Phạm Văn Đồng, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Nguyễn Sĩ Sách, Lê Mạnh Trinh, Nguyễn Thiệu, Nguyễn Hới, Trịnh Đình Cửu, Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí khác.
Từ đầu năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho Đòan Chủ tịch Quốc tế Cộng sản đề nghị được gửi sinh viên An Nam sang học tập tại Trường Đại học Cộng sản (Đại học Phương Đông) ở Matxcơva. Từ năm 1926, Người đã lựa chọn một số thanh niên Việt nam sang Liên Xô học tập và người đầu tiên đi học theo con đường này là đồng chí Trần Phú. Tiếp đó là nhiều đồng chí khác trong đó có Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập. Nguyễn Ái Quốc còn nhìn xa hơn, cử một nhóm thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi sang Liên Xô học, chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Nguyễn Ái Quốc cũng chú trọng đào tạo cán bộ quân sự, lựa chọn thanh niên Việt Nam gửi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) và thường xuyên liên hệ giáo dục học viên theo học ở trường này. Hơn 30 thanh niên Việt Nam đã tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, trong đó có Lê Hồng Sơn, Nguyễn Sơn, Trương Vân Lĩnh, Phùng Chí Kiên.
Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú trọng lựa chọn cán bộ để đào tạo bồi dưỡng. Trong sự lựa chọn ấy, Người đặt lên hàng đầu tư cách của người cách mạng với 23 điểm ở trang đầu tác phẩm Đường Cách Mệnh (1927). Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3.2.1930) Đảng đã coi trọng sự lựa chọn cán bộ theo những chuẩn mực đó. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng theo đó mà phấn đấu rèn luyện và trưởng thành trong các phong trào đấu tranh cách mạng. Ngay từ khi Đảng ra đời đã có được đội ngũ những cán bộ lãnh đạo kiên cường tiêu biểu về trtí tuệ, mẫu mực về phẩm chất cộng sản như Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu, Trần Văn Lan, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong và nhiều đồng chí khác. Nhiều đồng chí không những trưởng thành trong đấu tranh cách mạng và còn kiên cường trong lao tù của chủ nghĩa thực dân, đế quốc như Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Tống Văn Trân, Nguyễn Hới, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lê Duẩn, Ung Văn Khiêm, Lê Thanh Nghị, Hà Huy Giáp, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu, Xuân Thủy và biết bao đồng chí khác gắn liền với một lãnh đạo đấu tranh đầy hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang của Đảng
Cuối năm 1940 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Tĩnh Tây (Trung Quốc) và chuẩn bị trở về Tổ Quốc. Tại đây, Người mở lớp huấn luyện cán bộ với 40 đồng chí, trong đó có các đồng chí Lê Quảng Ba, Hòang Sâm, Bằng Giang, Thế An… Lớp học do Người trực tiếp giảng dạy với sự trợ giúp của các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở trong trong nước sang. Những cán bộ đó là vốn quý cho thời kỳ đấu tranh mới - cao trào giải phóng dân tộc. Ngày 28.1.1941 Nguyễn Ái Quốc trở về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tháng 5-1941 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp ở Cao Bắc đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đặt nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập lên hàng đầu và kiện toàn ban lãnh đạo cao nhất của Đảng do đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư và Ban Thường vụ Trung ương Đảng với đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hòang Văn Thụ. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh còn có những cán bộ là cộng sự đắc lực như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba, Vũ Anh… Những nhà lãnh đạo Trung ương quy tụ xung quanh Hồ Chí Minh cùng với những cán bộ ưu tú của các cấp đã lãnh đạo thắng lới sự nghiệp giải phóng dân tộc đưa đến Cách mạng tháng Tám thành công.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự nghiệp kháng chiến kiến quốc vô cùng khó khăn, gian khổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chăm lo đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng mà còn của bộ máy Nhà nước. Bộ máy Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ gồm những cán bộ ưu tú của Đảng mà còn gồm nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng hết lòng vì sự nghiệp của đất nước và dân tộc. Đó là các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phan Anh, Đặng Thai Mai, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Trần Đăng Khoa, Vũ Đình Tụng, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm và nhiều vị khác. Các vị đó đã suốt đời cống hiến trí tuệ và công sức cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Khi sự nghiệp cách mạng miền Nam phát triển và diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng cán bộ lãnh đạo của Đảng ở miền Nam, lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương cục miền Nam với sự phân công các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Phạm Văn Đáng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng và nhiều đồng chí khác. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời 20.12.1960 với những nhà lãnh đạo có uy tín cao như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phùng Văn Cung…
Ở thời kỳ nào của cách mạng, Hồ Chí Minh đều coi trọng đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo ở cấp chiến lược. Người chú trọng đào tạo cán bộ bằng hai cách chủ yếu: đào tạo qua trường lớp và đào tạo từ thực tế đấu tranh cách mạng. Kế thừa truyền thống, kinh nghiệm mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925 -1927, từ năm 1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đi vào đào tạo cán bộ thường xuyên. Đến thăm nhà trường 9.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu đào tạo, học tập để làm việc, làm người, làm cán bộ. Ngày 7.9.1957, trong diễn văn khai mạc lớp lý luận khóa I, trường Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đào tạo tòan diện đối với cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt nâng cao trình độ lý luận của cán bộ. Nắm vững lý luận vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, phân tích rõ đặc điểm của Việt Nam, chú trọng tổng kết kinh nghiệm, bài học mới có thể tìm ra quy luật riêng của cách mạng Việt Nam, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Với trách nhiệm người đứng đầu Nhà nước và lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo dựng, quy tụ quanh mình những học trò, những cộng sự, những nhà lãnh đạo tiêu biểu như các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Phạm hùng và nhiều đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa II và khóa III. Đó là những đồng chí tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức Hồ Chí Minh. Những nhà lãnh đạo đó đã đưa ra ngọn cờ cách mạng của Hồ Chí Minh đến thắng lợi vẻ vang, hoàn thành xuất sắc Di chúc của Người. Có thể thấy rõ quá trình đào tạo và bố trí cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược mà Hồ Chí Minh đã thực hiện được thể hiện của mấy vấn đề chủ yếu:
Thứ nhất, cán bộ lãnh đạo phải giữ gìn, rèn luyện tư cách, đạo đức cách mạng, coi đạo đức là gốc. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh 1927, Người đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mạng. Trong 23 điều đã đề cập tòan diện những phẩm chất cần thiết của một người cách mạhg, một người lãnh đạo như: Cần, kiệm, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, dũng cảm, quyết đoán, ít lòng tham muốn về vật chất.v.v.. Biết bao thế hệ cán bộ lãnh đạo của Đảng đã phấn đấu, rèn luyện, đấu tranh theo những chuẩn mực đó và trở thành những chiễn sỹ cộng sản, những nhà lãnh đạo mẫu mực sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Khi Đảng đã nắm chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền, vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng càng trở thành bức thiết. Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc (1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tới 12 điều về tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Người nêu rõ những chuẩn mực: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có gì phải giấu Đảng. Trí vì không có việc tư túi nó làm mù quáng nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa. Liêm là không tham địa vị, tiền tài, chỉ ham học hỏi, ham làm, ham tiến bộ. “Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[3] Nếu không có lý luận thì như nhắm mắt mà đi. Phải chống căn bệnh coi thường lý luận, nặng về kinh nghiệm thực tế, nhưng cũng phòng ngừa bệnh lý luận suông. Hiểu biết sâu sắc thực tiễn đồng thời nắm vững lý luận là cơ sở để hoạch định đúng đắn cương lĩnh, đường lối và những chính sách lớn của Đảng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế.
“Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác -Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác -Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hơpk với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”[4]
Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo có trình độ cao về lý luận như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và rất nhiều đồng chí khác. Các đồng chí đó không những là những nhà lãnh đạo xuất sắc mà còn là những nhà lý luận của Đảng đóng góp quan trọng vào sự phát triển lý luận của cách mạng Việt Nam nhằm giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tiễn đặt ra. Cùng với nâng cao trình độ trí tuệ về mọi mặt, hiểu biết sâu sắc về chính trị, quân sự, ngoại giao, về kinh tế, xã hội, văn hóa. Các đồng chí học tập ở mọi nơi, mọi lúc, ở cả trong nhà tù của chủ nghĩa thực dân đế quốc. Đảng đã từng nêu rõ quan điểm: cán bộ lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược lười học tập, suy nghĩ cũng là biểu hiện của sự suy thoái.
Thứ ba, theo Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo cần phải có cách lãnh đạo đúng đắn, có năng lực tổ chức thực tiễn và có tầm nhìn chiến lược. Cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược có vai trò quyết định việc hoạch định cương lĩnh, chiến lược, đường lối của Đảng. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2.1930), Luận cương chính trị tháng 10.1930, Luận cương của Đảng tại Đại hội hội II (2.1951), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (6.1991) đều gắn liền với vai trò của những nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng, những cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược. Việc đề ra đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp, đường lối cách mạng miền Nam và chống Mỹ cứu nước, đường lối đổi mới..v.v. cũng được quyết định bởi những nhà lãnh đạo cấp chiến lược. Tính đúng đắn của cương lĩnh, đường lối kết tinh trí tuệ của tòan Đảng, nhưng trước hết là những nhà lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là người lãnh đạo cao nhất.
Phong cách, phương thức lãnh đạo, theo Hồ Chí Minh phải dựa trên trí tuệ trách nhiệm tập thể, song phải đề cao tinh thần phụ trách, trách nhiệm của cá nhân. Không có tinh thần phụ trách, trách nhiệm thì không thể lãnh đạo được. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cách lãnh đạo đúng trước hết phải là quyết định mọi vấn đề cho đúng; tổ chức thi hành cho đúng; kiển tra, kiểm soát cho đúng. Người lãnh đạo chiến lược không phải cứ ngồi thảo ra quyết định, kế hoạch, mệnh lệnh, mà phải nắm vững đặc điểm, hoàn cảnh thực tế, gắn bó và lắng nghe tiếng nói của quần chúng nhân dân. Trách nhiệm trước nhân dân là cực kỳ hệ trọng đối với cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo “vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”[5]. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vấn đề cán bộ quyết định mọi việc. Cán bộ ở cấp chiến lược có vai trò và trách nhiệm rất lớn trước đất nước, dân tộc và nhân dân càng phải được lựa chọn đúng đắn. “Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo”[6]
Hồ Chí Minh với trí tuệ lớn và với tầm tư duy chiến lược luôn luôn chủ động phân tích đánh giá tình hình và đưa ra những dự báo khoa học. Người cũng đặt ra và xử lý nhiều mối quan hệ lớn và chủ yếu của cách mạng: quan hệ giữa chiến lược và sách lược, giữa mục tiêu cơ bản, lâu dài của cách mạng với mục tiêu cụ thể, thiết thực trước mắt; giữa con đường phát triển của cách mạng với phương pháp vận động, phát triển; giữa lý luận với thực tiễn; giữa lợi ích quốc gia, dân tộc với những vấn đề quốc tế và thời đại; giữa Đảng Nhà nước với nhân dân, thật sự vì nước, vì dân. Các thế hệ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng đã và đang học tập và vận dụng những tài sản quý báu đó của Hồ Chí Minh nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam khóa XI trong Nghị quyết Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã nêu rõ một trong ba vấn đề cấp bách là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”[7]. Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI họp từ ngày 1 đến ngày 15.10.2012, lần đầu tiên nêu ra đề án Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính tị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Hội nghị Trung ương đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bài của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ. Công tác quy, chuẩn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nội dung trọng yếu, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động”[8] Công việc có tầm quan trọng đó đòi hỏi phải nghiên cứu sâu sắc công tác đào tạo, sử dụng cán bộ của Hồ Chí Minh và những chỉ dẫn quý báu của Người.
* Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
[1]. Hồ Chí Minh tòan tập, Nxb.CTQG, H.,2000, tập 1, tr.192,289.
(PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc)
Tin tức liên quan
- Khoa học VN kẹt trong phi chuẩn mực, tư duy ăn xổi
- Kinh tế tri thức ở Việt Nam?
- Phép dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Vốn xã hội cho phát triển KH&CN Việt Nam
- Chiêu hiền đãi sĩ
- Peter Drucker – Người tôn vinh nghề quản trị
- VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách lãnh đạo quản lý
- Các học thuyết lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp (P1)
- Các học thuyết lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp (P2)
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều
- Thăm dò ý kiến
- Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
- Các trang tìm kiếm trên internet
- Được người khác giới thiệu
- Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
- Thông tin trên Brochure, namme card
- Từ nguồn thông tin khác
- Xem kết quả