BANNER
Banner 02
Banner 03
Banner 04

Từ 1-1-2018: Quy định mới về đóng bảo hiểm xã hội

(Cập nhật: 11/20/2017 9:25:24 AM)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, một số quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Đó là bổ sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tiền lương đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác…

Thêm hai nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 bổ sung một số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 1-1-2018. Đó là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới ba tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho rằng, khi điều chỉnh luật BHXH, việc mở rộng đối tượng tới người lao động có hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng, người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải triển khai thực hiện. Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay, chỉ có gần 50% doanh nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động tham gia BHXH. Số lao động được tham gia BHXH còn khiêm tốn. Với riêng 18 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, số đối tượng tham gia BHXH ở khu vực này còn rất ít.

Quy định mới về mức lương đóng bảo hiểm xã hội

Luật BHXH 2014 cũng có những thay đổi về quy định về việc tiền lương đóng BHXH từ ngày 1-1-2018.

Nhóm thứ nhất là đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Theo đó, từ ngày 1-1-2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%) trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Nhóm thứ hai là đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Căn cứ quy định tại Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan, từ thời điểm 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Theo đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.

Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lươngnhư: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, khi họ nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu... mức hưởng sẽ cao hơn.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.

Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Từ ngày 1-1-2018, Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cụ thể là, bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu.

Định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.

(DOMI)

Tin tức liên quan

  • Video Clip
    • Để Tối Ưu Hóa Vai Trò của Nhân Sự
    • HR Market Trend In Vietnam 2
    • Albert Antoine - Nhân sự trong chuyển đổi số
  • Thăm dò ý kiến
    • Bạn biết đến DOMI qua hình thức nào dưới đây:
    • Các trang tìm kiếm trên internet
    • Được người khác giới thiệu
    • Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo
    • Thông tin trên Brochure, namme card
    • Từ nguồn thông tin khác
    • Xem kết quả
KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN
Các trang tìm kiếm trên internet: 38955
Được người khác giới thiệu: 18948
Hoạt động đào tạo, tư vấn, hội thảo: 9878
Thông tin trên Brochure, namme card: 4357
Từ nguồn thông tin khác: 8053
  • Liên kết đối tác
    • Cac chuong trinh dao tao
    • Phan mem JED